23/12/2024

Chúa Nhật X TN B – 2021 – Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Hãy yêu thương nhau

Sau Chúa Nhật mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội mừng lễ Thánh Tâm để mời gọi ta học lại bài học yêu thương từ trái tim bị đâm thủng của Người trên thập giá (x. Ga 19,31-37). Hôm nay cũng là Ngày Thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục, chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục có trái tim yêu thương của Chúa Giêsu.

Chúa Nhật X TN B – 2021 – Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Hãy yêu thương nhau

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sau Chúa Nhật mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội mừng lễ Thánh Tâm để mời gọi ta học lại bài học yêu thương từ trái tim bị đâm thủng của Người trên thập giá (x. Ga 19,31-37). Hôm nay cũng là Ngày Thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục, chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục có trái tim yêu thương của Chúa Giêsu.

1. Tình yêu trong đời sống tự nhiên của con người

Trái tim đỏ thắm là biểu tượng của tình yêu chan chứa, nhưng thực tế của đời sống đang là một thảm trạng về tình yêu. Chỉ tính riêng ở Việt Nam đã có hàng triệu cuộc tình tan vỡ và hàng triệu bào thai bị phá bỏ mỗi năm, chưa kể hàng ngàn người bị phản bội, bị giết hại, tự tử và hàng chục triệu bệnh nhân tâm thần, chỉ vì con người không giải nghĩa được tình yêu và không biết yêu thương nhau.

Đối với nhiều người, tim là biểu tượng của tình yêu bởi vì tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn. Tim bơm máu đi khắp cơ thể để nuôi sống toàn thân con người. Tình yêu cũng được coi là động lực quan trọng nhất đem lại sức sống và niềm vui.

Đối với các tôn giáo, nhất là Công giáo, “Trái tim” [1] là thuật ngữ chỉ toàn thể nội tâm con người: vừa là trung tâm của cảm xúc [2], vừa là nơi phát sinh tư tưởng [3], diễn tả ý muốn, hành động [4] và cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa [5]. Vì thế, người Công giáo tôn thờ “Thánh Tâm Chúa Giêsu” hay tôn kính “Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ Maria” có nghĩa là tôn thờ Chúa Giêsu hay tôn kính Mẹ Maria với tình yêu vô bờ của hai Đấng dành cho con người.

2. Giải nghĩa tình yêu theo sinh lý học

Để giải nghĩa tình yêu trong con người có thể xác và tinh thần, chúng ta phải nói đến những cảm giác, cảm xúc, cảm tình khi họ yêu nhau. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu được các mức độ tình yêu, ta phải phân tích hoạt động của bộ não và hệ thần kinh của con người, thay vì nghiên cứu hoạt động của trái tim. Lý do là vì khi ta biết rõ được cảm giác, cảm xúc và suy tư, ta sẽ hiểu tại sao con người lại lầm tưởng tình yêu là cảm xúc, là tình cảm, là tình dục và mới hiểu tình yêu bắt nguồn từ đâu.

Yêu theo cảm giác

Cảm giác là hình thức thấp nhất của nhận thức. Đó là những cảm nhận nhất thời, không được chủ thể yêu ý thức một cách rõ ràng. Cảm giác là quá trình tâm lý cho ta biết những thuộc tính riêng lẻ của sự vật đang tác động vào các giác quan của ta. Ngoài 5 giác quan chính như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, ta còn có cảm giác thăng bằng, đau đớn [6]. Ví dụ: Ta cảm nhận được thân hình người mình yêu xinh đẹp, khuôn mặt thanh tú, mùi hương thơm ngát, giọng nói êm ái, làn da mát mẻ, đôi môi ngọt ngào… Các thụ thể cảm giác phát đi các tín hiệu thần kinh từ mắt, tai, lưỡi, mũi, da qua tuỷ sống, đến phần cao nhất của não là vỏ não, để từ đó ta có những cảm nhận về người mình yêu. Rất nhiều người đang yêu ở mức độ cảm giác này như đứa bé yêu mẹ vì được mẹ cho bú mớm, chăm sóc, ẵm bồng mà không ý thức về người mẹ của mình. Họ chỉ yêu cách thụ động để thu nhận cho mình theo những cảm giác của cơ thể.

Yêu theo cảm xúc

Nhiều người yêu ở mức độ cảm xúc. Cảm xúc là những trạng thái rung cảm của con người trước những sự vật hay hiện tượng có liên quan đến việc thoả mãn hay không thoả mãn những nhu cầu cá nhân. Cảm xúc thể hiện qua cử chỉ, hành vi, điệu bộ và những phản ứng về mặt sinh lý. Thí dụ: ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc, ân ái… là những nhu cầu cá nhân. Khi được thoả mãn hay không được thoả mãn sẽ tạo ra các cảm xúc như vui, buồn, sợ hãi, giận dữ, ngạc nhiên, ghê tởm, khinh bỉ [7].

Người yêu theo cảm xúc có thái độ chủ động để định hướng và thích nghi các hoạt động của mình. Tuy nhiên, các cảm xúc đều mang tính chủ quan, nhất thời. Đối với một số người có chỉ số xúc cảm thấp (emotional quotient), họ thường không quan tâm bảo vệ “tình yêu” của mình và dễ dàng đánh mất khi có cảm xúc mạnh với người khác, vật khác. Điều này ta gặp thấy nơi người chồng bỏ bê vợ mình khi quan hệ với những cô gái mãi dâm biết tạo cảm giác mới lạ cho họ.

Trong lĩnh vực tôn giáo người ta thường có những cảm xúc mạnh qua những buổi cầu nguyện đông người, những bài thánh ca hay, những cuộc hành hương đông đảo…. Tuy nhiên, những cảm xúc đó cần phải được nâng lên mức độ nhận thức thì mới phát triển được tình yêu chân thực và lòng đạo đức lâu dài.

Yêu theo tình cảm

Mức độ cao hơn cả là yêu theo tình cảm. Tình cảm được hình thành trên cơ sở những cảm xúc của con người đối với đối tượng mình yêu, nhưng chủ thể nhận thức được nguyên nhân tạo nên những tình cảm đó. Thí dụ: hai vợ chồng yêu nhau vì luôn ý thức cả hai đã gắn bó với nhau, có trách nhiệm với con cái, với gia tộc và được nối kết bởi nghi lễ hôn nhân tôn giáo, nên dù bây giờ đã già nua, không còn cảm giác hay cảm xúc với những cử chỉ âu yếm nhưng cả hai vẫn yêu thương, chăm sóc lo lắng cho nhau.

Căn cứ vào đối tượng, người ta phân loại tình cảm: tình yêu đôi lứa, tình cha mẹ, tình vợ chồng, tình anh em, tình bạn bè, tình quê hương, tình dân tộc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu thiên nhiên, tình yêu thần linh. Các tình cảm này đều bắt nguồn từ một tình yêu duy nhất của con người. Vì thế, trong cuốn Từ điển Tiếng Việt, ta tìm được câu định nghĩa sau đây: “Tình yêu là tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật“, nghĩa thứ hai mới là “Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ[8].

Theo nghĩa thứ nhất, chúng ta thấy tình yêu của con người là một tổng thể phức tạp, vừa là một tình cảm làm cho người ta gắn bó mật thiết, nhưng đồng thời lại ý thức về trách nhiệm phải có đối với nhau. Thiếu phần ý thức này, tình yêu chỉ còn là những cảm giác hay cảm xúc nhất thời, làm cho con người bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian. Chỉ khi nhận thức được nguyên nhân tạo nên tình cảm yêu mến, con người mới có tình yêu vượt lên trên mọi giới hạn vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, được chia sẻ bản tính thần linh siêu việt của Ngài. Như thế là con người nối kết được với cội nguồn của tình yêu.

3. Tìm về cội nguồn tình yêu

Điều khiến chúng ta kinh ngạc về bộ não của con người và đặt câu hỏi: những nhận thức khác nhau về mối quan hệ với đối tượng mình yêu, về hoàn cảnh, trách nhiệm và những phân biệt giữa các tình cảm đủ loại bắt nguồn từ đâu? Bởi vì nếu ta phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh trong các neuron, ta sẽ chỉ thấy đó là dạng các xung động điện rất nhỏ, tác động vào các túi chứa các chất dẫn truyền thần kinh ở dạng hoá học, để truyền tín hiệu sang neuron tiếp nhận [9]. Những xung động điện và các chất dẫn truyền có thể nói là đều giống nhau, nhưng mức độ nhận thức về tình cảm, tình yêu nơi mỗi người lại rất khác nhau.

Có người yêu cha mẹ vì hiểu được rằng cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình chứ không phải chỉ cho ăn (ở mức độ cảm giác), hay chiều chuộng theo ý thích của mình (ở mức độ cảm xúc). Nếu đi xa hơn về nhận thức, người đó yêu vì cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa, vì vâng theo điều răn của Thiên Chúa “Hãy thảo kính cha mẹ”, dù cha mẹ họ già yếu, bệnh tật, khó tính, bất công với họ (ở mức độ tình cảm). Tất cả những nhận thức đó đều cần thiết để giúp cho con người nâng cao giá trị tình yêu. Tình yêu của họ không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian để bước vào lĩnh vực tinh thần, mang tính vĩnh hằng và bất diệt!

Điều ghi nhận là trong bộ não con người, ta không thấy có chỗ nào chứa đựng nhận thức về trách nhiệm, tự do, hạnh phúc, tình yêu… Vậy chúng bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời không thể tìm thấy nơi con người và khoa học hiện đại, nhưng phải tìm về nguồn của mọi hiện hữu là Thiên Chúa. Chỉ Đấng đó mới giải nghĩa được tình yêu nơi con người và vạn vật trong vũ trụ.

4. Tình yêu trong đời sống người tín hữu Công giáo

Khi hiểu được như thế, ta mới thấy mình cần phải tin tưởng và gắn bó với Thiên Chúa để tình yêu của chúng ta được chân thực, trong sáng và vững bền: “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa[10].

Chúa Giêsu còn gợi ý cho ta nâng tình yêu lên bậc cao hơn. Nếu ta muốn sống đời đời, muốn chia sẻ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng của Thiên Chúa, ta hãy yêu như Người vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa [11]. Thiên Chúa là tinh thần, nên chúng ta không biết được tình yêu của Ngài cao cả, vô biên như thế nào. Nhưng khi Thiên Chúa cho Con của Ngài trở thành người, là Đức Giêsu Kitô, Ngài dạy cho chúng ta bài học tình yêu rất cụ thể. “Đây là Con ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người” [12]. Đức Giêsu dạy ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em[13].

Đức Giêsu yêu cho đến nỗi chết trên thập giá, đổ máu đào cho mọi loài thụ tạo để hoà giải chúng với Chúa Cha. Nhờ sự hoà giải của Người, mọi người mọi vật đều là anh chị em của nhau, thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người [14]. Vì thế, khi chúng ta yêu thương nhau một cách trọn vẹn như Người, ta sẽ cảm nghiệm được sự sống diệu kỳ, sung mãn của Thiên Chúa [15].

Như thế, những vấn nạn về tình yêu đã được giải đáp, bởi vì tình yêu là bản tính của Thiên Chúa được ban cho con người chứ không phải là những nhịp đập tự nhiên của trái tim con người. “Chúa Cha đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta[16]. Thánh Thần Tình Yêu nối kết Ngôi Cha, Ngôi Con lại với nhau thì cũng nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Nhờ đó, ta mới có thể yêu một cách trong sáng và quảng đại như Chúa Giêsu.

Lời kết

Hôm nay, khi chiêm ngưỡng Thánh Tâm bị đâm thâu của Chúa Giêsu chảy ra máu và nước như suối nguồn tình yêu cho con người, chúng ta hãy cầu xin Người uốn lòng của chúng ta nên giống trái tim Chúa. Amen.

  1. x. Từ điển Công giáo, 2019, mục từ Con tim, tr. 7.
  2. x. 1V 8,66; 1Sm 1,8.
  3. x. 1V 5,9; Hc 17,6.
  4. x. Et 7,10.
  5. x. 1 Sm 12,24; G 32,40.
  6. x. Dr. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr. 310.
  7. x. P. Ekman, Emotions Revealed, 2003; mạng internet 21/3/2017, Ngan Nguyen, Tìm hiểu về 7 cảm xúc cơ bản.
  8. x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Tình yêu, tr. 1284.
  9. x. Dr. Alice Roberts, Atlas, tr. 300.
  10. x. 1Ga 4,7-10.
  11. x. TLHTXHCG, số 29, 491.
  12. x. Mc 9,7.
  13. x. Ga 15,12, TLHTXHCG, số 54, 580.
  14. x. TLHTXHCG, số 34.
  15. x. Cl 1,15-20.
  16. x. Rm 5,5.

HKK