26/12/2024

COVID-19 đã giúp diệt được 2 chủng virus cúm quen thuộc?

COVID-19 đã giúp diệt được 2 chủng virus cúm quen thuộc?

Từ tháng 3-2020, không còn dấu vết nào của hai chủng virus cúm A/H3N2 và cúm B/Yamagata được phát hiện trên thế giới. Chúng đã biến mất hay còn ẩn náu đâu đây?

 

COVID-19 đã giúp diệt được 2 chủng virus cúm quen thuộc? - Ảnh 1.

Chủng virus cúm A/H3N2 – Ảnh: CDC

Tạp chí y học STAT (Mỹ) ghi nhận trong 8 năm trước đại dịch COVID-19, chủng virus cúm A/H3N2 liên tục phát triển để né tránh hàng rào miễn dịch do con người dựng lên ngăn chặn.

Thế nhưng từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay, chủng virus cúm A/H3N2 hầu như bặt vô âm tín. Tình hình tương tự cũng đã xảy ra với chủng virus cúm B/Yamagata.

Các nhà dịch tễ học thường xuyên theo dõi hai chủng này không tìm thấy chúng nữa kể từ tháng 3-2020.

Vẫn chưa rõ chúng đã bị tiêu diệt hoàn toàn hay dùng chiêu “kim thiền thoát xác” chờ cơ hội bùng phát. Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ còn nhiều ý kiến khác nhau.

TS Florian Krammer ở Trường Y khoa Icahn khẳng định: “Không ai nhìn thấy không có nghĩa virus B/Yamagata biến mất. Nhưng quả thật nó có thể biến mất rồi”.

TS Trevor Bedford ở Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson dè dặt hơn: “Tôi nghĩ rất có thể virus A/H3N2 đã biến mất. Nhưng thế giới này rộng lắm…”.

TS Richard Webby phụ trách nghiên cứu sinh thái học bệnh cúm ở động vật và chim tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận quả thật tính đa dạng của các chủng virus cúm A/H3N2 và B/Yamagata đã giảm đáng kể, nhưng chúng chưa hoàn toàn biến mất.

Nguyên nhân có thể liên quan đến các biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trong đại dịch COVID-19.

COVID-19 đã giúp diệt được 2 chủng virus cúm quen thuộc? - Ảnh 2.

Tiêm chủng vắc xin cúm mùa ở Pháp – Ảnh: AFP

Do các đợt phong tỏa liên tiếp, hạn chế du lịch và giao thương quốc tế, đóng cửa trường học, đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì giãn cách xã hội, virus cúm không có vật chủ con người để lây nhiễm nên dần dần biến mất.

Virus cúm rất đa dạng gồm nhiều dòng, nhiều chủng, nên vắc xin ngừa chủng virus cúm này có thể không đạt hiệu quả mong muốn để ngăn ngừa chủng virus khác, vì vậy rất cần tiêm chủng vắc xin nhắc lại mỗi năm.

Do đó nếu quả thật một số chủng virus cúm phổ biến đã biến mất, quá trình nghiên cứu một loại vắc xin sử dụng chung cho nhiều chủng virus sẽ trở nên thuận lợi hơn trước.

Chuyên gia cúm Ben Cowling ở Đại học Hong Kong nhận xét: “Chúng tôi đã nỗ lực nghiên cứu để có vắc xin ngừa bốn chủng virus khác nhau… Bây giờ nếu virus B/Yamagata thực sự biến mất thì chỉ cần vắc xin ngừa ba chủng virus là đủ”.

HOÀNG DUY LONG
TTO