23/12/2024

ĐTC Phanxicô: Phục hồi thiên nhiên là chăm sóc bản thân

ĐTC Phanxicô: Phục hồi thiên nhiên là chăm sóc bản thân

Hồ Toba ở Indonesia

Chiều ngày 4/6/2021, trong một sự kiện online nhân dịp bắt đầu chương trình “Thập kỷ Phục hồi Hệ Sinh thái”, từ năm 2021-2030, do Liên Hiệp Quốc phát động, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp video đến hội nghị. Sứ điệp được đọc bởi Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin, trong đó Đức Thánh Cha nhắc lại sự cấp bách của hành động bảo tồn công trình sáng tạo. Ngài kêu gọi quan tâm đến nhau, cũng như đến môi trường nói chung.

“Thập kỷ Phục hồi Hệ Sinh thái”

Ngày 5/6 là Ngày Môi trường Thế giới hằng năm, được Liên Hiệp Quốc tổ chức. Ngày này năm nay sẽ bắt đầu “Thập kỷ Phục hồi Hệ Sinh thái” của Liên Hiệp Quốc. Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm nay là “Làm mới, Tái tạo, Khôi phục”. Theo đề xuất hành động của hơn 70 quốc gia, vào tháng 3/2019 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định tuyên bố giai đoạn 2021–2030 là Thập kỷ của Liên Hiệp Quốc về khôi phục hệ sinh thái, với mục đích xây dựng một phong trào toàn cầu mạnh mẽ, phổ biến và thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn, đình chỉ và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Quan tâm môi trường cần kết hợp với yêu thương đồng loại

Mở đầu sứ điệp video, Đức Thánh Cha nhắc rằng Ngày Môi trường Thế giới năm nay nhắc chúng ta nhớ rằng mọi thứ đều được kết nối với nhau. “Một mối quan tâm thực sự đối với môi trường […] cần được kết hợp với tình yêu thương chân thành đối với đồng loại của chúng ta và cam kết kiên định để giải quyết các vấn đề của xã hội.” (Laudato Si’, 91).

Đức Thánh Cha nhắc lại lời của các nhà khoa học: “Tình hình môi trường hiện nay kêu gọi chúng ta phải khẩn cấp hành động ngay để hơn bao giờ hết, trở thành những người quản lý có trách nhiệm của công trình sáng tạo và khôi phục lại thiên nhiên mà chúng ta đã gây tổn hại và khai thác quá lâu. Nếu không, chúng ta có nguy cơ phá huỷ chính nền tảng căn bản mà chúng ta phụ thuộc vào. Chúng ta có nguy cơ gặp lũ lụt, đói kém và những hậu quả nặng nề cho chính chúng ta và cho các thế hệ tương lai.” Do đó, tiếng nói của lương tâm có trách nhiệm là: “Chúng ta cần chăm sóc lẫn nhau, và những người yếu nhất trong chúng ta. Tiếp tục con đường bóc lột và hủy diệt con người và thiên nhiên là bất công và không khôn ngoan.”

Hy vọng

Tuy xung quanh chúng ta đầy những khủng hoảng, như là hệ quả của nhau, Đức Thánh Cha vẫn thấy hy vọng, vì “chúng ta có tự do cần thiết để giới hạn và định hướng công nghệ, chúng ta có thể dùng nó để phục vụ cho sự phát triển lành mạnh, có tính nhân đạo, xã hội và toàn diện hơn”, với sự dấn thân của các quốc gia, xã hội dân sự, người trẻ…

Còn ít thời gian để hành động

Đức Thánh Cha nói rằng những “cảnh báo” như đại dịch Covid-19, sự nóng lên của trái đất nhắc chúng ta rằng chúng ta còn ít thời gian để phục hồi hệ sinh thái. Do đó, ngài mời gọi hành động khẩn cấp. Ngài cũng mời gọi suy tư về ý nghĩa và mục đích của kinh tế để sửa chữa vai trò và hoạt động sai lệch của nó. “Suy thoái hệ sinh thái là một kết quả rõ ràng của rối loạn chức năng kinh tế.”

“Thế hệ phục hồi”

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định: “Phục hồi thiên nhiên mà chúng ta đã làm hư hại, trước hết có nghĩa là phục hồi chính chúng ta.” Và ngài mời gọi: “Khi chào đón chương trình Thập kỷ Phục hồi Hệ Sinh thái của Liên Hiệp Quốc, chúng ta hãy có lòng cảm thương, sáng tạo và can đảm. Chớ gì chúng ta đảm nhận đúng vị trí của mình như là một ‘Thế hệ phục hồi’.” (CSR_4075_2021)

Hồng Thuỷ