Mỹ quay lại khám phá ‘hành tinh bị bỏ rơi’ gần nửa thế kỷ
Mỹ quay lại khám phá ‘hành tinh bị bỏ rơi’ gần nửa thế kỷ
Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo kế hoạch quay lại sao Kim kể từ năm 1978. Đây là người hàng xóm gần nhất nhưng có lẽ bị phớt lờ nhiều nhất của Trái đất.
Ngày 2-6, Hãng tin AP dẫn lời người đứng đầu NASA Bill Nelson cho biết cơ quan này dự kiến triển khai hai sứ mệnh khoa học mới mang tên DAVINCI+ và VERITAS, để khám phá khí quyển và lịch sử địa chất của hành tinh nóng nhất hệ Mặt trời.
Trong đó, DAVINCI+ sẽ tập trung phân tích khí quyển dày đặc của sao Kim để tìm hiểu xem liệu hành tinh này từng có đại dương và sự sống hay chưa. Một máy bay nhỏ sẽ được sử dụng để bay xuyên qua bầu khí quyển để đo các loại khí.
Đây sẽ là sứ mệnh khám phá sao Kim đầu tiên do Mỹ thực hiện kể từ năm 1978. VERITAS sẽ tìm hiểu lịch sử địa chất của hành tinh này bằng cách lập bản đồ bề mặt.
“Thật khó tin là chúng ta biết quá ít về sao Kim”, Hãng tin AP dẫn lời nhà khoa học NASA Tom Wagner nói trong một tuyên bố.
“Nhưng những sứ mệnh này sẽ mang đến những cái nhìn mới mẻ về bầu khí quyển của hành tinh này, tạo nên bởi phần lớn là CO2, cho đến phần lõi của nó. Điều này giống như việc khám phá lại một hành tinh vậy” – nhà khoa học Wagner nói.
Ông Thomas Zurbuchen, quan chức khoa học hàng đầu của NASA, gọi đây là “một thập kỷ mới của sao Kim”. Triển khai trong khoảng năm 2028 – 2030, mỗi sứ mệnh sẽ được rót vốn khoảng 500 triệu USD trong khuôn khổ chương trình khám phá của NASA.
Hai sứ mệnh trên của NASA đã đánh bại hai dự án được đề xuất khác – lên mặt trăng Io của sao Mộc và mặt trăng băng giá Triton của sao Hải Vương.
Mỹ và Liên Xô (cũ) đã gửi nhiều tàu vũ trụ lên sao Kim trong thời kỳ đầu thám hiểm không gian. Tàu thăm dò không gian Mariner 2 của NASA đã thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công vào năm 1962, và chiếc Venera 7 của Liên Xô thực hiện lần hạ cánh thành công đầu tiên vào năm 1970.
Năm 1989, NASA đã sử dụng một tàu con thoi để đưa tàu vũ trụ Magellan vào quỹ đạo sao Kim. Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng làm điều tương tự vào năm 2006.