ĐHY Parolin: Cần phải có hệ thống lương thực theo hướng chăm sóc ngôi nhà chung
Tại buổi kết thúc chuỗi hội thảo trên web hôm thứ Hai 31/5, với tiêu đề “Lương thực cho Cuộc sống, Công bằng Lương thực, Lương thực cho Tất cả”, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh nhần mạnh “cần phải chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng chăm sóc ngôi nhà chung”.
Chuỗi sự kiện được tổ chức bởi Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, Phái đoàn thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện và Uỷ ban Vatican Covid-19 cùng với các đối tác làm việc trong lĩnh vực an ninh lương thực.
Phát biểu tại buổi hội thảo, đi từ Thông điệp Laudato Si’, Đức Hồng y Parolin nói: “Mục đích của thông điệp là thúc đẩy hệ sinh thái toàn diện, được hiểu như một mô hình xem xét mối liên hệ giữa các hệ thống xã hội và sinh thái. Đây là điểm khởi đầu để đảm bảo một sự tái tạo thực sự của hệ thống lương thực trong tương lai sau đại dịch.”
Theo Quốc vụ khanh Toà Thánh, để làm được điều này, chúng ta cần phải chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, xoá bỏ nạn đói, tôn trọng nhân phẩm và phục vụ công ích. Ngoài ra, cần phải suy nghĩ lại các hệ thống lương thực để làm sao cho chúng linh hoạt, liên đới hơn, có khả năng chống lại tình trạng mất an ninh lương thực.
Tại buổi hội thảo, sơ Alessandra Smerilli, Phó Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, điều phối viên của đội đặc nhiệm Kinh tế thuộc Uỷ ban ứng phó Covid-19 Vatican, cũng đã có bài tham luận, nhấn mạnh “cần phải có những hành động cá nhân và tập thể hướng tới một tương lai lương thực bền vững, bình đẳng và an toàn”.
Đề cập đến tầm quan trọng của nền kinh tế địa phương, Sr. Smerilli giải thích: “Kinh tế địa phương đại diện cho sự hiểu biết quý giá vì sự phát triển bền vững các lãnh thổ cho các thế hệ tương lai. Thực tế, các gia đình địa phương không có xu hướng huỷ hoại mảnh đất mà họ đã và đang sử dụng.”
Sau cùng, Phó Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện nhận xét rằng, lương thực như một phép thử về mối liên hệ giữa tài chính, việc làm và công nghệ. Nếu những điều này không tôn trọng nhân phẩm và phục vụ công ích, sẽ góp phần gây xung đột ở các cấp độ khác nhau và đưa đến các hậu quả như biến đổi khí hậu. Thành phần chịu ảnh hưởng trước hết là người nghèo, và sau đó là toàn thể gia đình nhân loại.