23/12/2024

Chúa Nhật VII PS B 2021, Lễ Chúa Thăng Thiên: Chứng nhân của Đấng Thăng Thiên

Việc Chúa Giêsu lên trời vừa là một biến cố có thật trong lịch sử, vừa là một mầu nhiệm mời gọi ta khám phá nội dung sâu xa của nó bằng đức tin và tình yêu. Nhiều tín hữu chưa hiểu rõ việc này, nên cũng không phát huy được những ân huệ Chúa ban như các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 16,15-20).

Chúa Nhật VII PS B 2021, Lễ Chúa Thăng Thiên

Chứng nhân của Đấng Thăng Thiên

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Việc Chúa Giêsu lên trời vừa là một biến cố có thật trong lịch sử, vừa là một mầu nhiệm mời gọi ta khám phá nội dung sâu xa của nó bằng đức tin và tình yêu. Nhiều tín hữu chưa hiểu rõ việc này, nên cũng không phát huy được những ân huệ Chúa ban như các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 16,15-20).

1. Một vài hiểu lầm về mầu nhiệm lên trời

Trước hết, những từ ngữ mô tả sự kiện lên trời trong bài sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 1,1-11) và bài Tin Mừng như: “Chúa Giêsu được cất lên, có đám mây quyện lấy Người và các tông đồ đăm đăm nhìn lên trời, phía Người đi” làm cho người ta dễ lầm tưởng trời là một khoảng không gian vô tận phía trên đầu và Chúa Giêsu mất hút vào trong đó.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng: trời ở đây là một tình trạng hay một trạng thái bao quanh toàn thể nhân loại và vũ trụ mà Đức Giêsu đi vào để kết hợp trọn vẹn với Chúa Cha, dẫn theo tất cả những gì Người đã cứu chuộc (x. GLHTCG, số 659-667, 2794-2796). Bài đọc II vừa tả cho ta: “Người đã lên cao dẫn theo một đám tù, Người đã ban ân huệ cho loài người” (Ep 4,8). Những tù nhân là loài người chúng ta và cả thế giới đã bị giam cầm trong tội lỗi, sự hư nát và cái chết.

Thật ra, ngay khi Đức Giêsu chết và sống lại, Người đã bước vào tình trạng kết hợp này với Chúa Cha, như Người đã giải thích cho các môn đệ: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha” (Ga 16,28). Vì thế, các sách Tin Mừng đều đặt việc lên trời ngay sau Chúa phục sinh.

Nhưng cuộc lên trời được thánh Luca kể lại qua Bài đọc I được thể hiện sau khi Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần trong khoảng 40 ngày để khẳng định Người thật sự đã sống lại và sai các môn đệ làm chứng về Người. Biến cố thăng thiên này muốn dẫn tất cả chúng ta vào mầu nhiệm lên trời, nghĩa là từ nay Đức Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình nữa, dù Người vẫn “ở cùng” Hội Thánh mọi ngày cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20).

Người lên trời để đưa tất cả đến trình diện với Chúa Cha, sau khi giải thoát họ, và để cho họ được hưởng tột đỉnh vinh quang cùng với Người như Người cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha, xin ban cho con vinh quang mà con vẫn hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5).

Nhờ đó, mỗi tín hữu, qua lòng tin và tình yêu, được kết hợp mật thiết với Đức Giêsu như những chi thể gắn bó với Đầu, đều được đưa vào vinh quang này, nghĩa là được chia sẻ sự liên kết sâu xa với Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu, Con Một của Ngài. Như vậy là chúng ta đã được lên trời cùng với Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, vì không ý thức được tình trạng lên trời của mình, người tín hữu vẫn ngước mắt nhìn trời như một không gian cố định, ở cách xa họ và xa cách cả trần gian họ đang sống với những vật chất hữu hình và công việc hằng ngày. Vì thế, họ rơi vào tình trạng giằng co, căng thẳng: lên trời chẳng được mà ở trần thế cũng chẳng xong!

Họ không khám phá ra sự hiện diện mới mẻ của Chúa Giêsu luôn ở bên họ. Họ cũng chẳng dám dấn thân vào mọi hoạt động của trần thế vì sợ rằng như thế là phản bội với Đấng Thăng Thiên. Họ chỉ muốn “tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới nơi Đức Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1) mà quên rằng Đức Giêsu đã cứu độ toàn thể vũ trụ và biến đổi tất cả thành một trong thân thể Người, như chúng ta đã suy niệm vào Chúa Nhật III Phục Sinh.

Chính thái độ xa cách và lãnh đạm với thế giới này, mà họ đã bỏ mặc Chúa Giêsu đang hiện diện trong đó với những con người khốn khổ, nghèo đói, tật bệnh. Đức Giêsu đã chứng thực điều này khi Người nói từ trên cao: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ ta?” (Cv 9,4) hoặc khi Người phán xét: “Xưa ta đói các ngươi đã không cho ăn, ta khát các ngươi đã không cho uống. Ta là khách lạ các ngươi đã không tiếp rước. Ta trần truồng các ngươi đã không cho mặc…” (Mt 25,43-44).

Vì thế, chúng ta cần phải vượt qua những hiểu lầm đó để sống mầu nhiệm lên trời như các chứng nhân của Đấng Thăng Thiên.

2. Chứng nhân của Đấng Thăng Thiên

Đức Giêsu sai chúng ta đi như những chứng nhân của Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Tin Mừng Nước Trời từ nay không phải chỉ dành riêng cho con người mà trải rộng cho muôn loài thọ tạo trong vũ trụ này. Lý do là vì mọi môn đệ của Chúa Giêsu có nhiệm vụ phải làm cho tất cả được nâng lên cao, đưa lên tận trời, nghĩa là được hưởng trọn vẹn vinh quang hay sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, cao cả của chính Thiên Chúa.

Không ai bị bỏ lại phía dưới. Không vật nào bị hạ thấp giá trị và bị ném vào thùng rác như vật phế thải. Thánh Phaolô nói với chúng ta hôm nay: “Người đã lên, nghĩa là gì? nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn”.

Điều này như mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ cư xử của mình đối với vạn vật trong đời sống hằng ngày. Ta có cẩn trọn sử dụng vật chất, của cải, tiền bạc, đồ ăn, thức uống mà Chúa giao vào tay ta để làm cho chúng phát huy trọn vẹn hiểu quả tốt đẹp không?

Riêng đối với con người, chúng ta có giúp nhau thăng tiến và phát triển những ân sủng mà Đức Giêsu Kitô ban cho để xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô? Đây chính là nhiệm vụ làm thăng hoa và thăng thiên con người nhờ quyền năng của Chúa Giêsu và những ân huệ của Chúa Thánh Thần như các tông đồ xưa.

Sau khi nhận được Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, họ đã đi khắp nơi, làm các dấu lạ như chữa bệnh, trừ quỷ, nói những tiếng mới lạ. Có Chúa cùng hoạt động với họ và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Đây cũng là nhiệm vụ của từng người tín hữu chúng ta trong nhiệm thể Chúa Kitô thời nay, một thời đại mà nhiều người chỉ nhìn vào đất chứ không nhìn lên trời, chỉ tin tưởng vào khoa học kỹ thuật sẽ giải quyết được tất cả chứ không cần đến Thiên Chúa.

Người thời đại hôm nay chỉ tin yêu Đức Giêsu Kitô nếu chúng ta cùng xây dựng trần thế với họ, nhưng đồng thời lại làm cho trần thế này thăng hoa cùng với chúng ta nhờ tác động của Chúa Thánh Thần qua các dấu lạ chúng ta thực hiện.

Lời kết

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống xứng đáng với ân huệ lên trời Chúa ban cho chúng con hôm nay. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương hồn xác lên trời, cầu cho chúng con. Amen.

 

HKK