24/11/2024

ĐHY Tagle: Người tị nạn, người di cư tạo nên các cộng đoàn chăm sóc và chia sẻ

ĐHY Tagle: Người tị nạn, người di cư tạo nên các cộng đoàn chăm sóc và chia sẻ

Phục vụ bữa ăn cho người tị nạn ở Trung tâm Astalli (Francesca Napoli)

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, nhận xét: “Người tị nạn và người di cư thường bị đổ lỗi cho các vấn đề của xã hội nơi họ đến, nhưng Tổ chức cứu trợ người tị nạn của Dòng Tên (JRS) cho thấy người tị nạn và người di cư có khả năng hình thành các cộng đoàn chăm sóc và chia sẻ.”

Đức Hồng y Tagle đã nói như trên tại buổi báo cáo thường niên năm 2021 của Trung tâm Astalli, chi nhánh ở Ý của Tổ chức Cứu trợ Người tị nạn của Dòng Tên, diễn ra hôm thứ Ba 20/4.

Tổ chức Cứu trợ Người tị nạn của Dòng Tên được thành lập vào năm 1980 để đồng hành, phục vụ, bảo vệ và ủng hộ quyền của người tị nạn và người di cư trên toàn cầu. Trong năm qua, Trung tâm Astalli đã hỗ trợ hơn 17.000 người tị nạn và người xin tị nạn trên khắp đất nước.

“Đối với tôi, báo cáo do Trung tâm Astalli trình bày là một chứng tá về tình người, tình yêu tích cực và lòng cảm thương hơn là một bản báo cáo đơn giản về các hoạt động”, Đức Hồng y Tagle lưu ý và nhận xét: “Vì vậy, người di cư, đặc biệt là người bị buộc phải rời khỏi quê hương, có thể kể lại câu chuyện của họ. Dường như chúng ta có thể nghe thấy tiếng khóc của các gia đình ly tán trong lúc chạy trốn nguy hiểm, và thậm chí chúng ta có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi của họ khi vượt biển và đất liền đến một tương lai không xác định.”

Theo Đức Hồng y Bộ trưởng, khi đến một đất nước mới, những người tị nạn mang thêm những gánh nặng mới, do phải sống trong tình trạng bất an, bị từ chối. Và đại dịch đã làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của họ. Nhưng nhờ sự chào đón, tôn trọng và đồng hành của Trung tâm Astalli, cuộc hành trình tăm tối của họ đã được tắm trong ánh sáng.

Đức Hồng y nói: “Người di cư là những cây cầu của tình người, và kinh nghiệm của Trung tâm Astalli cũng cho thấy rằng những người nhập cư đến Ý cũng có thể tạo ra những nhịp cầu xã hội. Những người di cư thường bị cho là người gây ra các vấn đề trong xã hội nhưng chứng tá của Trung tâm Astalli đưa ra một bức tranh khác, họ có khả năng hình thành các cộng đoàn chăm sóc và chia sẻ.”

Trung tâm Astalli lưu ý, mặc dù có những hạn chế của Covid-19, trong năm 2020, số người đến Ý bằng đường biển đã tăng vọt. Vào năm 2018 có 23.000 người và năm 2019 là 11.000 người, nhưng năm 2020 đã tăng lên 34.000 người.

Nhiều người tị nạn và di cư đến trong hoàn cảnh bấp bênh đã rơi vào cảnh nghèo đói. Sau những hành trình dài mệt mỏi, họ cảm thấy bị bế tắc do các quy định và thủ tục thường mang tính phân biệt đối xử và quan liêu. Do đó, nhiều người từ bỏ việc khẳng định quyền của họ. Các nhu cầu cơ bản cho những người này, như bữa ăn, tắm giặt và thuốc men, đang ngày càng tăng trên khắp nước Ý. Trong số 3.500 người được cung cấp thức ăn tại các địa điểm của Trung Astalli ở Roma, hơn 30 phần trăm là người vô gia cư. Tám trung tâm khác trên khắp đất nước cũng có những câu chuyện tương tự.

Báo cáo của Trung tâm Astalli cho biết: “Đặc biệt nghiêm trọng là hoàn cảnh của các gia đình đông con và các gia đình đơn thân. Họ ở lại các trung tâm trong một thời gian dài (ít nhất 12 tháng), nhưng ngay cả sau khi chuyển ra ngoài, tình trạng khốn khổ của họ vẫn tiếp diễn. Năm 2020, Trung tâm Astalli đã hỗ trợ 178 bà mẹ đơn thân (5% tổng số).”

Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn ước tính khoảng 80 triệu người đã buộc phải chạy trốn bạo lực, chế độ độc tài và những khó khăn xã hội và kinh tế khắc nghiệt ở quê nhà. Khoảng một nửa trong số họ dưới 18 tuổi.

Ngọc Yến