24/11/2024

Bạn có biết: Nấm có thể làm thay đổi thế giới?

Bạn có biết: Nấm có thể làm thay đổi thế giới?

Giúp giấy bền hơn cả nhựa, làm sạch nước, phân giải hoá chất độc hại trong môi trường… những cây nấm tuy nhỏ bé lại có thể làm thay đổi thế giới.

 

Bạn có biết: Nấm có thể làm thay đổi thế giới? - Ảnh 1.

Nấm sở hữu nhiều đặc tính có tiềm năng làm thay đổi thế giới – Ảnh: REUTERS

Ai cũng biết nấm giúp tạo ra thực phẩm và nước uống lên men, là nguồn protein dành cho người ăn chay… Nó còn sở hữu nhiều đặc tính độc đáo có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và được tạp chí Trends in Biotechnology gọi là ‘mỏ vàng khoa học’.

Làm giấy không cháy, không ướt, bền hơn nhựa

Các sợi nấm chứa một thành phần hóa học gọi là kitin. Đây là loại polymer mà ta có thể tìm thấy trong vỏ cua hoặc bộ xương ngoài của côn trùng. Kitin có cấu trúc sợi tương tự như cellulose trong gỗ. Điều này đồng nghĩa với việc sợi nấm cũng có thể được chế biến thành các tấm mỏng giống như cách làm giấy.

Đặc tính ưu việt của giấy làm từ nấm chính là khi kéo ra, chúng bền hơn nhiều loại nhựa và không kém là bao nếu so sánh với một số loại thép có cùng độ mỏng. Mạnh mẽ hay dẻo dai tùy thuộc vào cách sử dụng các chủng nấm đặc thù hoặc các bộ phận khác nhau của nấm. Độ trong suốt của nó cũng có thể tùy chỉnh theo cách thức tương tự.

Nấm có khả năng kháng lửa, đó là lý do hầu như chúng ta không bao giờ có thể đốt cháy chúng. Trồng nấm trong các môi trường giàu khoáng chất sẽ giúp giữ được đặc tính kháng lửa vốn có của nấm nhờ vào việc hấp thụ khoáng chất chống cháy.

Chưa hết, nước không làm ướt được bề mặt của nấm. Do đó, loại giấy làm từ nấm sở hữu hàng loạt đặc tính hữu ích và ưu việt như chống cháy, chống nước và bền bỉ, dẻo dai.

Bạn có biết: Nấm có thể làm thay đổi thế giới? - Ảnh 2.

Giấy làm từ nấm có thể chống cháy, chống nước và bền bỉ, dẻo dai – Ảnh: REUTERS

Lọc nước bẩn

Giấy làm từ nấm khi cho tiếp xúc với một axit hoặc chất kiềm, kitin trong nấm sẽ chuyển hóa thành chitosan.

Chitosan có thể hút những ion kim loại nặng. Ngoài ra chitosan khi kết hợp với mạng lưới sợi nấm chằng chịt cũng có thể ngăn cản chất rắn, vi khuẩn và thậm chí virus. Nó hứa hẹn mang đến giải pháp lọc nước ở những nơi thiếu thốn nước sạch để uống.

Chữa lành, kháng khuẩn

Chitosan còn có nhiều tiềm năng y sinh như dùng làm lớp băng bó với hoạt tính chữa lành vết thương. Tuy chưa được đưa vào thị trường nhưng nghiên cứu cho thấy sản phẩm trên có khả năng kháng khuẩn, cầm máu và hỗ trợ tăng sinh và gắn kết tế bào.

Các enzyme nấm cũng có thể kháng khuẩn ở vết sâu răng, tẩy trắng và loại bỏ hợp chất gây hôi miệng. Chất kháng sinh penicillin cũng có nguồn gốc từ nấm, được ghi nhận là bước đột phá khoa học đã cứu sống hàng triệu sinh mệnh.

Rất nhiều loại kháng sinh được bào chế từ nấm hoặc vi khuẩn trong đất. Trong thời đại “kháng kháng sinh” ngày một tăng, khoa học đã thấy được những tiềm năng chưa khai thác của nấm để bào chế kháng sinh thế hệ mới.

Làm vật liệu xốp phân hủy sinh học

Mút xốp làm từ nấm nổi tiếng là vật liệu đóng gói có tính bền vững. Ngoài ra, loại mút xốp này còn có thể dùng trong xây dựng để làm lớp ngăn cách, làm sàn nhà, ốp tường. Nghiên cứu cho thấy đây là đối thủ đáng gờm của các vật liệu trên thị trường khi xét về tính chất cách âm và cách nhiệt.

Chưa hết, việc thêm các rác thải công nghiệp như vụn thủy tinh vào trong mút xốp này có thể tăng cường khả năng chống lửa. Còn nếu chỉ dùng các sợi nấm để gia công, ta có thể tạo ra loại mút mềm dẻo và xốp hơn, thích hợp để làm miếng xốp tẩy trang, da nhân tạo, lót giày, lót nệm…

Bạn có biết: Nấm có thể làm thay đổi thế giới? - Ảnh 3.

Nấm có thể dùng làm mút xốp phân hủy sinh học, cách nhiệt, cách âm, chống cháy – Ảnh: MITCHELL P. JONES

Cải tạo môi trường

Nấm có thể giúp dọn dẹp các khu công nghiệp bằng phương pháp xử lý sinh học, giúp phân giải hoặc hấp thụ dầu mỏ, chất ô nhiễm, độc tố, thuốc nhuộm và kim loại nặng. Chúng cũng có thể cấu thành nhựa tổng hợp hay nhiên liệu sinh học.

Khoa học thậm chí còn đang ấp ủ ý tưởng dùng những lớp áo quan từ nấm để phân giải thi hài của người chết thành dưỡng chất cho cây cối. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn còn gây tranh cãi.

LÊ CHUNG (Theo The Conversation)
TTO