ĐTC Phanxicô: Hành động chống lại sự nóng lên của khí hậu là trách nhiệm đạo đức
.
Diễn đàn của Unesco có chủ đề “Sự biến đổi khí hậu và sự nghèo đói: các nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm khoa học”. Sứ điệp của Đức Thánh Cha được đọc bởi Đức Tổng Giám mục Francesco Follo, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Tổ chức Unesco.Trong lời cảm ơn lời mời của bà Tổng Giám đốc Unesco và chào các nhà tổ chức và các tham dự viên Diễn đàn, Đức Thánh Cha khẳng định đề tài của Diễn đàn là một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng nhất của thời đại chúng ta.
Đặt con người ở trung tâm
Theo Đức Thánh Cha, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống đói nghèo cùng cực là hai mục tiêu phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau, do đó cần phải xác định lại một mô hình phát triển mới đặt “tất cả mọi người và toàn bộ con người ở trung tâm” (Populorum Progressio, 14) như là trụ cột cơ bản để tôn trọng và bảo vệ, và áp dụng một phương pháp luận bao hàm đạo đức liên đới và “bác ái chính trị” (Fratelli tutti, 180, 182).
Giáo dục người trẻ
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng “tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với những người nghèo nhất thúc đẩy chúng ta coi việc ứng phó với cuộc khủng hoảng môi trường xã hội hiện nay là một cơ hội duy nhất để nhận trách nhiệm vì sự mong manh của ngôi nhà chung của chúng ta, cải thiện điều kiện sống, sức khoẻ, giao thông, an ninh năng lượng và tạo cơ hội việc làm mới”.
Từ đó, Đức Thánh Cha nhận định rằng vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề đạo đức hơn là vấn đề kỹ thuật, và chúng ta chỉ có thể tạo được bước ngoặt nếu đầu tư và giáo dục những thế hệ mới với cách sống tôn trọng thiên nhiên. Người trẻ cần được giáo dục để có thói quen mới trong sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới đặt môi trường và con người vào trung tâm.
Mệnh lệnh đạo đức
Đức Thánh Cha khẳng định: “Đưa ra câu trả lời cụ thể cho hiện tượng nghiêm trọng trái đất nóng lên là một mệnh lệnh đạo đức. Thiếu hành động sẽ đưa đến những tác động, đặc biệt là ở các tầng lớp nghèo nhất của xã hội, những người cũng dễ bị tổn thương nhất trước những thay đổi này.” (CSR_2323_2021)