Chúa Nhật lễ Thánh Gia 2017: Thành viên tích cực trong gia đình
Chúng ta đều thuộc về một gia đình, từ gia đình nhỏ bé với cha mẹ sinh ra ta đến gia đình giáo xứ, giáo phận, Giáo hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam, gia đình nhân loại, gia đình vũ trụ mà nhiều khi chúng ta đã không để ý đến. Cuối cùng, chúng ta là thành viên của đại gia đình Thiên Chúa.
Chúa Nhật lễ Thánh Gia 2017
Thành viên tích cực trong gia đình
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Thánh Gia và giới thiệu cho chúng ta gương mẫu của gia đình. Chúng ta đều thuộc về một gia đình, từ gia đình nhỏ bé với cha mẹ sinh ra ta đến gia đình giáo xứ, giáo phận, Giáo hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam, gia đình nhân loại, gia đình vũ trụ mà nhiều khi chúng ta đã không để ý đến, dù mỗi ngày chúng ta đón nhận từ khí trời, ánh sáng, đến thịt cá, rau dưa làm thành thân xác ta. Cuối cùng, chúng ta là thành viên của đại gia đình Thiên Chúa với Cha Trên Trời, người anh cả Giêsu cũng như với tất cả các thần thánh và những người đã khuất.
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình ấy, nhất là Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình VN, để làm thế nào cho gia đình mỗi ngày một thăng tiến, bình an và hạnh phúc hơn.
1. Gia đình thánh
Trước hết, nhìn vào Thánh Gia, chúng ta thấy đây là một gia đình trẻ, gợi ý về chủ đề mục vụ gia đình được Giáo hội Việt Nam đề nghị “đồng hành với gia đình”, nhất là những gia đình trẻ, trong 3 năm liên tiếp 2017-2019.
Mẹ Maria khi sinh ra Chúa Giêsu có lẽ cũng chỉ ở độ tuổi 18-20 và Thánh Giuse cũng chỉ 25-30 là cùng. Chúng ta đừng nhìn Thánh Giuse như một ông già râu tóc bạc phơ để sống an toàn với Đức Maria như cô “gái một con trông mòn con mắt”. Gia đình ấy cũng gặp những căng thẳng, hiểu lầm, khi Thánh Giuse biết Đức Maria mang thai và mình không phải là chủ của bào thai ấy nên mình không xứng đáng được gọi là cha của Con Thiên Chúa và muốn âm thầm bỏ ra đi.
Gia đình ấy cũng gặp những sóng gió nguy hiểm khi vua Hêrôđê tìm cách giết Hài nhi Giêsu nên phải trốn sang Ai Cập. Thánh Giuse cũng phải vất vả lập nghiệp nơi đất khách quê người để kiếm sống và bảo vệ vợ con. Cuối cùng hai ông bà cũng tìm cách trở về quê hương, tránh xa thủ đô nguy hiểm là Giêrusalem, để định cư trong một làng nhỏ Nazareth. Với nghề thợ mộc, có thể nói gia đình ấy sống âm thầm, yên vui, hạnh phúc, nhưng cũng không thể nào tránh thoát những căng thẳng mà cuộc sống của xã hội thời đó đã gây nên với những khách hàng khó tính, với những bất công, áp bức của chính quyền xâm lược Rôma. Như thế, chúng ta thấy rằng gia đình Nazareth rất gần gũi với chúng ta.
2. Hiện trạng gia đình Việt Nam
Nhìn vào xã hội Việt Nam hôm nay, nhất là hiện trạng các gia đình, Hội đồng Giám mục mời gọi chúng ta cần phải tích cực đồng hành với họ. Chúng ta ta không phải chỉ cầu nguyện suông hay nêu cao những khẩu hiệu “gia đình bình an, vợ chồng hạnh phúc”. Nhưng chúng ta phải tìm hiểu kỹ lưỡng những nguyên nhân gây nên tình trạng ấy và có những kế hoạch hành động cụ thể thì mới giải quyết được những khó khăn và làm thăng tiến gia đình.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tính đến ngày 30/12/2017, dân số VN chúng ta là 95.656.561 người, xếp thứ 14 trên thế giới. Chúng ta có khoảng 22 triệu hộ gia đình. 34,7 % dân số sống ở thành thị, độ tuổi trung bình ở VN là 31, tuổi thọ nam nữ là 76, độ chênh lệch nam nữ là 978/1.000, số trẻ sinh ra trong năm 2017 là 1.636.128 (x. Thống kê Dân số của Việt Nam theo Liên Hiệp Quốc ngày 31/12/2017 trên Internet).
Những con số có vẻ vô hồn ấy gợi ý cho chúng ta rất nhiều điều về mặt xã hội học đối với gia đình.
Trước hết, từ một đất nước lấy nông nghiệp là chính, Việt Nam đang chuyển đổi lấy công nghệ là chính. Ngày xưa các gia đình sống đoàn tụ với nhau trong một làng quê, ít tiếp xúc với người ngoài, mọi người đều biết nhau nên nền đạo đức được bảo vệ tốt. Nhưng khi luỹ tre làng bị phá đi, làng biến thành phố, phố biến thành thị, người ta tiếp xúc với mọi hạng người và hầu như không ai để ý đến ai, cuộc sống kinh tế có vẻ sung túc, dễ dãi hơn, nhưng xã hội lại có nhiều nguy hiểm hơn về mặt luân lý.
Hơn nữa, sống trong một xã hội đang cổ vũ khoa học kỹ thuật, nam nữ bình đẳng và được đi học như nhau, người phụ nữ không còn bị lệ thuộc nhiều vào đàn ông, không còn bị những nguyên tắc “tam tòng chi phối: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Phụ nữ có thể sống độc lập, nhưng cũng gặp thêm những khó khăn. Vì tình trạng trai thiếu, gái thừa nên không ít phụ nữ phải làm những nghề không xứng với phẩm giá con người.
Khi cổ vũ đời sống hưởng thụ vật chất, nhất là sống trong ý thức hệ vô thần duy vật, người ta không còn tin vào Thiên Chúa như là nguồn của tình yêu, của sức mạnh để bảo vệ cho gia đình bình an, người ta chỉ tin vào sức mạnh của con người, của tiền bạc, của khoa học kỹ thuật có thể giải quyết tất cả, nên gia đình cũng gặp nhiều xung đột, khó khăn, nguy hiểm. Vợ chống ít chung thuỷ với nhau hơn. Những phong trào sống thử, sống buông thả theo bản năng thấp kém của con người đã làm cho gia đình VN, dân tộc VN suy sụp về mặt luân lý. VN đang là nước đứng thứ 5 có số người phá thai cao nhất thế giới, mỗi năm có khoảng hơn 2 triệu ca phá thai, 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm vì bị day dứt về tội ác đó nên không vượt qua được, có khi dẫn đến tự tử. Tình trạng ly hôn nhiều hơn, với tỷ lệ 40% gia đình ly hôn so với 50% ở các nước Tây Phương . Chúng ta cứ thử tưởng tượng mỗi năm có khoảng 600.000 phụ nữ VN trầm cảm, 10 năm đã có 6 triệu! Giáo hội Việt Nam sẽ giúp đỡ những phụ nữ này như thế nào?
Khi đi tìm những thoả mãn sinh lý, rất nhiều người dùng những viên thuốc ngừa thai khẩn cấp mà chúng ta thấy bán rộng rãi trong các nhà thuốc, rồi do lạm dụng thuốc nên niêm mạc tử cung nhiều phụ nữ bị bào mỏng khiến họ không thể mang thai. VN hiện nay có 7% phụ nữ rơi vào tình trạng vô sinh. Vậy những người Công giáo chúng ta sẽ giúp đỡ những phụ nữ ấy như thế nào để họ biết những phương pháp tự nhiên được Giáo Hội công nhận, thí dụ như phương pháp Billings, và giúp cho dân tộc mạnh mẽ hơn?
3. Làm cho Chúa Giêsu lớn lên
Nhìn vào gia đình VN, chúng ta thấy nhiều người không cao ráo, khoẻ mạnh, thông minh như các dân tộc khác. Tại hội thảo khoa học “Tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao” do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 26/9/2017, TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: “Theo công bố mới nhất tháng 7-2016, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới”. Bộ Y tế đề ra kế hoạch đến năm 2030 VN tăng chiều cao thêm được 4cm nữa.
Nhưng, với hàng chục triệu người nghiện rượu bia, thuốc lá, ma tuý, bài bạc, phim ảnh, trò chơi như hiện nay, chắc chắn người VN chúng ta không khoẻ. Chúng ta đừng quên nhiều người VN đang chịu ảnh hưởng bởi những bệnh tật: hơn nửa triệu người chết trong năm 2017 thì có tới hơn 400.000 người chết vì những thứ bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tai biến mạch máu não, lao phổi.
Chúng ta sẽ giúp cho gia đình Việt Nam sống thế nào để sinh ra những đứa con khoẻ mạnh hơn, thông minh hơn, đạo đức hơn, xinh đẹp hơn… giống như những anh chị em Công giáo Hàn Quốc đã thay đổi được đất nước của họ? Chúng ta sẽ giúp đỡ họ thế nào để con cái họ giống như “Hài Nhi Giêsu ngày càng lớn lên, càng thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40)?
Giáo Hội đang mời gọi chúng ta đóng góp tích cực cho gia đình VN để giúp cho người ta hiểu rằng “yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng cùng nhìn về một hướng”. Đức Maria và Thánh Giuse đã giới thiệu hướng đó cho ta khi các ngài nhìn vào Đức Giêsu là Thiên Chúa đã trở thành người. Chúng ta có nhận ra là Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta không? Chúng ta có biểu lộ cho người khác thấy Chúa Giêsu đang ở trong ta để cho họ cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ không?
Lời kết
Đó là bài học ‘yêu thương bằng những hành động cụ thể” mà Thánh Gia hôm nay làm gương cho ta trong đời sống gia đình. Xin Chúa chúc lành và làm cho mỗi người chúng ta trở nên thành viên tích cực trong mỗi gia đình ta đang thuộc về để ta trở thành biểu tượng (x. Dt 11,19) giống như Chúa Giêsu dưới mái nhà Nazareth. Đó cũng là lời cầu chúc chúng tôi gửi tới anh chị em trong Năm Mới 2018.