Đường về tự nhiên của nông dân trẻ
Sáng thức dậy ở Dốc Mơ, người ta đánh răng bằng bột than tre, giặt quần áo với trái bồ hòn, gội đầu bằng nước sả, vỏ bưởi… Tất cả mọc lên trong vườn, có trong vườn, tinh khiết và thơm tho.
Đường về tự nhiên của nông dân trẻ
Sáng thức dậy ở Dốc Mơ, người ta đánh răng bằng bột than tre, giặt quần áo với trái bồ hòn, gội đầu bằng nước sả, vỏ bưởi… Tất cả mọc lên trong vườn, có trong vườn, tinh khiết và thơm tho.
Các bạn sinh viên Đại học kinh tế tham quan làm nông nghiệp sạch ở nông trại Dốc Mơ – Ảnh: TƯỜNG HÂN
Đó là cuộc sống thường ngày ở nông trại Dốc Mơ (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), nơi có gần hai mươi người trẻ rời văn phòng tìm đường về với tự nhiên, theo đuổi ước mơ nông nghiệp không hoá chất.
Bỏ phố về vườn
Gần ba năm bỏ phố về vườn, câu chuyện sống và trồng trọt thuận tự nhiên của Lại Hồng Vy – cô gái sinh năm 1991 – thu hút hơn 12.000 người theo dõi trên Facebook, từ chuyện ăn hạnh phúc, nhuộm vải tự nhiên, sử dụng nước ao, tiết kiệm cái đinh, cọng chỉ để bớt rác…
Là một nông hộ ở Dốc Mơ, Vy và chồng được cho mượn phần đất, trên bờ trồng rau, nuôi gà, dưới ao thả cá, cạnh nhà xanh rờn đợt lúa đầu tiên.
Họ học cách tự tạo ra thức ăn, thảo dược, dành thời gian viết lách, làm đồ thủ công và nhiều sở thích khác.
“Rời thành phố về quê làm nông là lựa chọn không dễ dàng” – Vy chia sẻ. Nhưng cô đã rời Sài Gòn, lựa chọn về đây, sống với nghề nông, sống xanh.
So với thời ở thành phố, Vy nông dân hiện tại mảnh khảnh hơn, nước da mịn màng và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.
Vy cùng chồng được rủ về nông trại Dốc Mơ để hình thành cộng đồng nhỏ thực hành lối sống, lối canh tác thuận tự nhiên.
Hai vợ chồng vun vén 20 triệu đồng, tự dựng lên mái tranh che mưa nắng, lắp tấm pin mặt trời và ăcquy để cấp điện.
Hầu hết sinh hoạt gia đình đều sử dụng quang năng như thắp sáng, sạc máy tính, điện thoại, giữ liên lạc với mọi người. Không điều hòa, không quạt máy, vào ngày nắng nóng cứ mở tấm phên tre, gió đồng nội lùa vào mát rượi.
Mọi vật dụng trong nhà đều do chồng Vy tự đục đẽo làm thành, từ muỗng nĩa, chai lọ đến ghế giường, tủ bếp, có khi gia cố đồ đã qua sử dụng.
“Tụi mình không muốn khi rời khỏi hoặc chết đi phải bỏ lại một đống rác vô nghĩa” – Vy chia sẻ khi giao lưu với sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM về văn hóa tiêu dùng hồi tháng 10.
Vì vậy, mỗi khi quyết định mua sắm, dọn rác, hai vợ chồng luôn cân nhắc liệu có cần thiết và mức độ tác động tới môi trường.
“Đường rời xa tự nhiên càng lâu, đường quay về càng xa. Không dễ dàng để từ bỏ thói quen, dù chỉ là cắt giảm túi nilông hay ống hút nhựa – Hồng Vy nói – Mình nhận ra sống thuận tự nhiên là một lựa chọn, khi bản thân vững vàng, hạnh phúc với lựa chọn này, những người thân xung quanh sẽ tự nhiên cảm nhận thông điệp, dần dần thay đổi.
Và hãy sống như một cái cây khoẻ mạnh để người khác cảm thấy mát mẻ khi ở bên như lời của sư thầy Thích Nhất Hạnh”.
Sống đẹp là sống xanh
Gia đình Vy là một trong số mười mấy anh chị em xây dựng nên nông trại Dốc Mơ. Phần lớn họ là cử nhân hoặc kỹ sư, từng làm nghề trong lĩnh vực nông lâm, kiến trúc, kinh tế, muốn xây dựng mô hình làm nông không hóa chất, không nhà lưới.
Họ trồng thêm cây rừng, làm phân xanh để nuôi đất và hài lòng với phần thưởng sản vật thiên nhiên.
Như anh Phạm Ngọc Thọ (quê An Giang) là kiến trúc sư – trước đó đã có mười năm hành nghề kiến trúc, đang sống ở Dốc Mơ – nói: “Tôi nhận thấy việc bóc lột đất đai quá mức bằng hoá chất đã làm đất bạc màu. Nhưng nếu dành thời gian nuôi dưỡng đất, mùa vụ gián đoạn, nông dân lại gặp khó khăn về thu nhập.
Chúng tôi đang thử nghiệm xem có cách làm nông nào hiệu quả, không dùng hóa chất trên mảnh đất đã suy kiệt”. Họ đang tìm kiếm một mô hình sống xanh cho nông dân.
Ở Dốc Mơ, cộng đồng nhỏ của vợ chồng Vy hay anh Thọ đã đi được quãng đường ba năm theo lối canh tác thuận tự nhiên.
Ngoại trừ gạo đường mắm muối, nông trại tự cung tự cấp thực phẩm cho nhân viên và du khách đến đây tham quan.
Heo gà được chăn nuôi thả vườn trong khu đất riêng; ao hồ, mương dẫn nước thông nhau; ao cao tràn xuống ao thấp hơn, trồng nhiều loại cây thuỷ sinh để lọc nước, thả cá đồng, cua đồng sinh sống.
Vườn tược cây trái được phòng bệnh bằng cách xen canh nhiều loại cây trồng, giữ gìn các loại côn trùng có ích tạo cân bằng sinh thái và phân tán sâu bệnh. Dĩ nhiên là có khi cũng gặp hạn sâu bệnh, dịch bệnh. Nói chung cũng không phải dễ.
Tự cung tự cấp, sản phẩm làm dư đem bán. Bởi sạch nên rau trái, gà vịt của nông trại Dốc Mơ có giá cao gấp đôi ngoài chợ.
Anh Thọ chia sẻ: “Ở đây, anh chị em cùng nhau tìm kiếm con đường làm nông phù hợp, không phải cách kiếm tiền nhiều nhất”.
Để lan tỏa lối sống thuận tự nhiên, nông trại tận dụng quang cảnh thiên nhiên đón tiếp các đoàn học sinh, sinh viên tham quan học hỏi từ cách làm nông, tìm hiểu cỏ cây, côn trùng đến quy hoạch nông trại, tổ chức dịch vụ lưu trú và ẩm thực.
Trong một lần ghé thăm của đoàn sinh viên khối ngành kinh tế, chị Nguyên – nhân viên nông trại – nhắn nhủ: “Khi có trách nhiệm hơn, chúng ta biết không cần san phẳng một cánh rừng để trồng lúa hay cà phê. Con người vẫn sống tốt khi nương tựa vào rừng”.
Chị nói biết nghĩ cho môi trường, cho người khác là sống tử tế.
Mùa mưa đã qua nhưng trong nông trại Dốc Mơ vẫn dập dìu cánh bướm, mùi hóa chất của vụ mùa cũ tan đi, những vạt cỏ, hàng hoa chạy dài qua vườn ổi, men theo bờ ao đến rẫy cà phê cho trẻ con nô đùa.
Ở đó có con đường ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng dám đi, đôi khi cần một chút dũng cảm để làm ăn tử tế và hài lòng với cuộc sống vừa đủ quanh mình.
TS Phan Văn Minh (Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học
và môi trường): Giúp thiên nhiên tự chữa lành
Mô hình nông nghiệp tự dưỡng (thuần tự nhiên) hoàn toàn khả thi nhưng cần phải kiên nhẫn.
Về bản chất, tự nhiên có thể tự chữa lành tổn thương của nó nếu không bị ảnh hưởng quá trầm trọng.
Tuy nhiên, suốt thời gian dài bị con người khai thác, đất đai ruộng vườn chưa thể tự dưỡng lại, người làm vườn muốn khôi phục hiện trạng tự nhiên sẽ phải biết đánh giá năng suất từng cấu phần trong hệ, bổ sung điều kiện để đẩy nhanh quá trình tự chữa lành và cân bằng, dần dần năng suất hệ tăng lên, tạo ra dư thừa để khai thác.
Đó là công nghệ bậc thầy, vì sau đó con người chỉ “rung đùi” mà vẫn hưởng được thành quả tự nhiên.
Làm nông hạnh phúc
Lại Hồng Vy phơi sả đề lấy nước gội đầu – Ảnh: TƯỜNG HÂN
Cô nông dân Lại Hồng Vy chia sẻ về quyết định đi ngược với đám đông của mình: “Mình đã làm việc quần quật ở cả Hà Nội, TP.HCM và thấy làm nông mới là công việc hấp dẫn.
Nếu hạnh phúc khi sống ở thành phố, bạn cứ sống ở thành phố. Nếu bạn thích về quê, cứ về quê. Chỉ có điều tôi thấy nhiều người không hạnh phúc khi ở thành phố nhưng lại không biết đi đâu, không dám đi đâu”.
Vy cho rằng chính là do cha mẹ, xã hội đặt lên vai người trẻ quá nhiều kỳ vọng về học vị, tiền bạc, hôn nhân, nhà cửa, “nhưng thực ra chỉ có một điều đúng là mình chỉ có thể mang lại hạnh phúc cho người khác khi mình hạnh phúc” – Vy chia sẻ.