Chúa Nhật V Mùa Chay B: Vâng phục bằng tình yêu để được cứu độ
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh về chủ đề vâng phục bằng tình yêu để được cứu độ. Chính trong sự vâng phục Lề luật của Thiên Chúa bằng tình yêu xuất phát từ con tim mà dân Israel được thứ tha tội lỗi, và cũng chính nhờ sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng tình yêu mà Đức Giêsu đã đem lại ơn cứu độ cho con người.
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – B (Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33)
VÂNG PHỤC BẰNG TÌNH YÊU ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;
và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn,
Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh về chủ đề vâng phục bằng tình yêu để được cứu độ. Chính trong sự vâng phục Lề luật của Thiên Chúa bằng tình yêu xuất phát từ con tim mà dân Israel được thứ tha tội lỗi, và cũng chính nhờ sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng tình yêu mà Đức Giêsu đã đem lại ơn cứu độ cho con người.
1. Bài đọc I (Gr 31,31-34)
Bài đọc I đề cập việc Thiên Chúa sẽ thiết lập một Giao ước mới thay thế cho Giao ước cũ. Trong quá khứ, khi dân Israel ra khỏi miền đất nô lệ của Ai Cập để tiến về miền tự do là Đất hứa, Thiên Chúa đã ký kết với dân một Giao ước ở Núi Sinai qua trung gian Môsê. Giao ước Sinai được gọi là Lề luật/Torah, được khắc ghi trên hai bia đá, với những lời cam kết của hai phía. Theo đó, Israel sẽ là dân riêng của Thiên Chúa, là một vương quốc tư tế, một dân thánh, còn Thiên Chúa sẽ là Chúa của Dân, với điều kiện họ phải trung thành phụng sự Người là Chúa Tể duy nhất của họ (x. Xh 19–24).
Đó được xem là Giao ước tình yêu, vì có tương quan hai chiều: Thiên Chúa yêu con người nên thiết lập Giao ước để con người đi đúng đường lối mà được thứ tha tội lỗi mà sống hạnh phúc, và con người phải tuân giữ Giao ước bằng tình yêu đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, dân Israel đã không trung thành với Giao ước này khi nhiều lần bất tuân với những gì họ đã cam kết với Thiên Chúa. Hậu quả là Thiên Chúa đã trừng phạt họ, khi để họ bị quân thù đến tàn phá đất nước và dân chúng phải đi lưu đày ở Babylon.
Trong bối cảnh như thế, ngôn sứ Giêrêmia loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ tội ác cho dân Israel và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa để ký kết với họ một Giao ước mới. Thay vì khắc trên bia đá như trong Giao ước cũ, Lề luật và đường lối của Thiên Chúa trong Giao ước mới này sẽ được khắc sâu vào lòng dạ của dân Israel. Qua đó, Thiên Chúa muốn Dân thiết lập với Người một tương giao không phải bằng việc giữ Luật hời hợt bên ngoài, nhưng tận trong tâm khảm để họ nhận biết Người chính là Chúa Tể của họ. Nhờ đó, Israel biết sống một tinh thần mới, đó là vâng phục đường lối của Thiên Chúa qua sự vâng phục đích thực bằng tình yêu bên trong tâm hồn, để đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II (Dt 5,7-9)
Bài đọc II nhấn mạnh việc Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha để thực hiện chương trình cứu độ. Sự vâng phục này được thể hiện qua việc Đức Giêsu sẵn lòng chịu khổ nạn đến mức chịu chết và chết trên thập giá ô nhục để cứu độ loài người.Người đã vâng phục đến mức hy sinh mạng sống vì yêu mến Chúa Cha và yêu thương chúng ta. Qua cuộc khổ nạn và chịu chết của mình, Đức Giêsu đã làm cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Từ đó, Đức Giêsu lại trở nên “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”. Vâng phục thiên ý đến mức chịu đau khổ và hy sinh mạng sống mình cho người khác không phải là điều dễ. Ngay cả Đức Giêsu ‘Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục’
Mẫu gương hoàn hảo của Đức Giêsu cho chúng ta nhiều bài học về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục, bằng cách tuân giữ các huấn lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa, nhất là có lúc phải chịu thiệt thòi, đau khổ, thậm chí phải hy sinh mạng sống là điều không hề dễ. Vì thế, chúng ta cũng phải theo gương Đức Giêsu, đó là phải trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là vâng phục. Bên cạnh, đau khổ có khả năng thanh luyện và thánh hoá con người, và có trải qua đau khổ, người ta mới có thể được biến đổi và thanh luyện, nhờ đó được cứu độ, nên thánh và hưởng phúc vinh quang (x. Lc 24,28).
3. Bài Tin Mừng (Ga 12,20-33)
Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách Đấng Mêsia để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa vì “giờ đã đến”, đó là “giờ khổ nạn và chịu chết” nhưng cũng đồng nghĩa với “giờ được tôn vinh” (Ga 12,23). Trong tư tưởng thần học của Gioan, lúc Đức Giêsu vâng phục thánh ý Chúa Cha để chịu khổ nạn và chết “treo trên thập giá” là khi Đức Giêsu “được tôn vinh” và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (x. Ga 13,31), vì chính khi đó chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện trọn vẹn. Đức Giêsu đã diễn tả mối liên hệ giữa khổ nạn và chịu chết chôn trong lòng đất với cuộc tôn vinh qua hình ảnh hạt lúa sẽ bị chết đi khi gieo vào lòng đất để trổ sinh hoa trái. Chính Đức Giêsu đã chấp nhận khổ nạn treo trên thập giá, chết đi và chôn vào lòng đất vì tội lỗi của con người, rồi sống lại vinh quang để trao ban cho con người sự sống vĩnh cửu.
Mặc dù luôn làm theo ý Chúa Cha trong mọi sự, nhưng đứng trước cuộc khổ nạn, tâm hồn Đức Giêsu cũng xao xuyến và Người muốn thoát khỏi giờ này. Tuy nhiên, Người đã vâng phục trọn vẹn thánh ý Chúa Cha vì biết rằng: “chính vì giờ này mà Người đã đến” (x. Ga 12,27). Đó là “giờ” tôn vinh, đó là giờ cứu độ. Quả thật, khi treo trên thập giá, chính lúc đó là giờ Đức Giêsu được tôn vinh và mọi kẻ tin cũng được tôn vinh với Người: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,33).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Vì yêu dân Israel, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với họ, nhưng dân lại không chung thuỷ với tình yêu đó khi không tuân giữ Giao ước. Cũng vì yêu, Thiên Chúa quên đi lỗi lầm của dân để thiết lập Giao ước mới. Thiên Chúa cũng đã thiết lập với mỗi người chúng ta một Giao ước tình yêu khi chúng ta chịu Phép rửa. Vậy chúng ta sống Giao ước với Thiên Chúa như thế nào trong đời sống của chúng ta? Giao ước tình yêu này có thực sự khắc sâu vào trong tâm hồn của chúng ta giúp chúng ta xác tín rằng: chúng ta là những người đã thuộc về Chúa chứ không thuộc về thế gian, bằng việc sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa qua lối sống Tin mừng?
2. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Chúng ta có biết rằng sống vâng phục thiên ý không phải là một điều dễ, nên chúng ta phải học hỏi gương của Đức Giêsu sao cho có một ý chí kiên vững và sự nỗ lực mãnh liệt với ơn Chúa giúp, để vượt qua ý riêng, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn xảy ra trong cuộc sống thường ngày hay không?
3. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Hình ảnh này giúp người Kitô hữu cảm nhận được ý nghĩa cứu độ của cuộc khổ nạn và chịu chết mà Đức Giêsu đã trải qua: chết để được sống lại và trao ban sự sống muôn đời cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có ý thức rằng chết là lúc “sinh thì”, sự chết là cửa dẫn vào sự sống muôn đời, như các thánh đã cảm nhận “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (thánh Phanxicô Assisi)? Chúng ta có dám cùng đau khổ và cùng chết với Đức Giêsu Kitô để được cùng sống muôn đời và được tôn vinh với Người? Ngoài ra, chúng ta có nhận ra rằng để đem lại sự sống đời đời cho người khác, chúng ta cũng phải chấp nhận tình trạng “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi” hay không?
4. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại giáo huấn của Thông điệp Fratelli Tutti: “Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hoá của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hoà nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187). Con Thiên Chúa đã hạ mình trong thân phận phàm nhân, để cứu chuộc và phục hồi phẩm giá làm con cái Thiên Chúa cho con người. Chúng ta có ý thức mình được mời gọi đi theo con đường tình yêu của Đức Giêsu, biết quên mình và sống cho người khác, vì “ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất” còn ai “quên mình là lúc gặp lại bản thân” (thánh Phanxicô Assisi)?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu vào thế gian như là “hạt lúa” được gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi để sinh nhiều bông hạt, đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Trong tâm tình cảm tạ và tin tưởng, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin chân thành:
1. “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho hàng Giám mục và mọi thành phần trong Hội thánh luôn trung thành và hăng say với sứ mạng loan báo và làm chứng cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
2. “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”. Chúng ta cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm và ưu tiên chọn lựa những chính sách hữu hiệu về xã hội, giáo dục, và y tế, nhằm đem lại cuộc sống ổn định và hạnh phúc cho mọi người.
3. Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất”. Chúng ta cùng cầu xin cho những người trẻ đang phải đối diện với các vấn đề của một xã hội đề cao cá nhân, tôn thờ vật chất, biết khao khát tìm kiếm những gía trị đích thực đem lại cho họ sự sống đời đời.
4. “Xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến”. Xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết noi gương vâng phục của Chúa Giêsu: nhận ra và thi hành thánh ý Chúa qua mọi biến cố trong cuộc sống và các bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết sống vâng phục và không ngừng làm vinh danh Chúa theo gương Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ban MVPT TGP.