Quảng Ninh giải cứu bãi thải mỏ trước nguy cơ sạt lở
Quảng Ninh giải cứu bãi thải mỏ trước nguy cơ sạt lở
Tỉnh Quảng Ninh đã lập phương án thí điểm xin phép các cơ quan T.Ư được sử dụng đất đá từ bãi thải mỏ làm nguồn nguyên liệu san lấp dự án xây dựng trên địa bàn.
Theo Sở TN-MT Quảng Ninh, địa phương này có 59 dự án khai thác than, với 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động. Trong khi đó, mỗi năm các đơn vị thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt nam thải từ 250 – 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than.
Mỗi năm gần đây, ngành than phải đổ trên 100 triệu m3 đất đá thải mỏ. Có những bãi thải mỏ tồn tại hàng trăm năm, nay chất như núi như bãi Đông Cao Sơn cao hơn 300 m, bãi Cọc Sáu cao 280 m; bãi Nam Đèo Nai cao 200 m. Những “núi thải” này đang ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống nhân dân và còn tạo thành những quả “bom bùn” treo lơ lửng trong mùa mưa lũ.
Thực tế, trong trận mưa lũ lịch sử tháng 7.2015 gây sạt lở bãi thải mỏ, đã làm thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho ngành than cũng như tỉnh Quảng Ninh.
Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã lập đề án về việc tận dụng chất thải mỏ làm vật liệu san lấp và bước đầu được Bộ TN-MTcho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây mỏ than Núi Béo (TP.Hạ Long), với trữ lượng khoảng 700.000 m3; để phục vụ cho dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng việc lấy đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án giúp không phá rừng, phá vỡ địa hình tự nhiên, giảm áp lực cho bãi thải mỏ.
|
“Tỉnh Quảng Ninh và ngành than sẽ quyết tâm đổi mới tư duy, tầm nhìn để xây dựng và triển khai các đề án phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ đang chiếm dụng hàng nghìn hecta đất mỗi năm, và gây ra những hệ lụy khôn lường về môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội”, ông Ký cho biết.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, địa phương này đã giao ngành than nghiên cứu việc đưa moong khai thác lộ thiên đã kết thúc khai thác trở thành những hồ dự trữ nước ngọt, vừa bảo đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước; lại giảm được chi phí và thời gian so với phương án hoàn thổ khó khăn trong thực hiện chi phí tốn kém như trước đây; báo cáo các cơ quan chức năng thí điểm triển khai.
Với phương án này, Quảng Ninh sẽ gia tăng lượng tích trữ nước ngọt trên phạm vi toàn tỉnh lên tới 1 tỉ m3, đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần đảm bảo về kinh tế, xã hội và môi trường.
LÃ NGHĨA HIẾU
TNO