Uỷ ban Cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại ca ngợi chuyến tông du của ĐTC tới Iraq
Trong chuyến tông du kéo dài 4 ngày tới Iraq, Đức Thánh Cha đã đến thăm một số thành phố của Iraq. Ngài cũng đã tham dự cuộc họp đối thoại liên tôn ở thành cổ Ur. Trong bài phát biểu tại Ur, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng việc thúc đẩy tình huynh đệ nhân loại và kêu gọi tín đồ các tôn giáo làm sống lại các giá trị của tình huynh đệ nhân loại.
Đức Hồng y Ayusu Geksot, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn và là thành viên của Uỷ ban Cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại, đã tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến thăm Iraq, nói rằng, khi thực hiện chuyến tông du Đức Thánh Cha muốn “thúc đẩy đối thoại văn hoá và văn hoá quy tụ và hoà nhập để mọi người trong xã hội có thể có được hòa bình, không phân biệt chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo”.
Giáo sư Mohamed al-Mahrasawi, Hiệu trưởng Đại học Al-Azhar và là thành viên của Ủy ban, cho rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha là một cử chỉ hàn gắn vết thương của người dân Iraq sau nhiều năm chiến tranh và tàn phá, là một lời kêu gọi lòng khoan dung và hội tụ các giá trị quyền công dân và sự chung sống giữa mọi người dân Iraq và tất cả các dân tộc trong khu vực. Đây là phản ứng tốt nhất trước những lời kêu gọi căm thù và thái độ cực đoan, đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người vô tội.
Ông Mohamed Khalifa Al Mubarak, Chủ tịch Sở Văn hoá và Du lịch Abu Dhabi, thành viên của Uỷ ban, đã ca ngợi kết quả chuyến thăm của Đức Thánh Cha, đồng thời nhấn mạnh rằng việc Đức Thánh Cha quyết tâm hoàn thành chuyến tông du cho thấy ngài tin tưởng vào sự cần thiết phải áp dụng các nguyên tắc của tình huynh đệ nhân loại. Thực vậy, chuyến thăm là một áp dụng thực tế tài liệu tình huynh đệ và là một ví dụ cho những gì tình huynh đệ nhân loại có thể đạt được khi đối mặt với những hô hào gây chia rẽ, hận thù và cực đoan.
Thẩm phán Mohamed Abdelsalam, Tổng thư ký của Uỷ ban nhấn mạnh rằng, chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha đã làm sáng tỏ sự đa dạng về tôn giáo và văn hoá ở Iraq và khu vực, và làm thế nào để sự đa dạng này có thể đạt được hoà bình và sự gắn kết giữa các cộng đoàn. Chuyến thăm mang một thông điệp mạnh mẽ kêu gọi thế giới ủng hộ các nạn nhân chiến tranh và chủ nghĩa cực đoan, không bỏ rơi họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thẩm phán cho biết Uỷ ban sẽ chuẩn bị một nghiên cứu về kết quả của chuyến viếng thăm để đưa ra các kế hoạch tương lai của Uỷ ban, vì lợi ích của người dân Iraq. (CSR_1734_2021)