23/12/2024

Chúa Nhật II MC B 2021: Những cuộc biến hình trong đời

Cuộc biến hình của người tín hữu Công giáo không phải là chuyện tưởng tượng hão huyền, nhưng là một sự thật trong đời sống thực tế và nhiều vị thánh đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên cuộc biến hình đó chỉ đạt được nếu chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu lên núi cao và kết hợp mật thiết với Người.

Chúa Nhật II MC B 2021

Những cuộc biến hình trong đời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã thấy cuộc sống con người là một cuộc chiến đấu trường kỳ với những cám dỗ và thử thách. Tuần này Giáo Hội nhắc nhở ta rằng đời sống là một cuộc biến hình liên tục, vừa tạo nên hạnh phúc vì cảm nghiệm được vinh quang của Chúa, đồng thời cũng đòi hỏi ta phải phấn đấu từ bỏ chính mình như Abraham trong Bài đọc I (x. St 22,1-18) hay như Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Mc 9,2-10) . Vậy chúng ta phải biến hình như thế nào và phải làm sao để được biến hình thật sự và trọn vẹn.

1. Những cuộc biến hình trong đời ta

Chúng ta biết có nhiều loại biến hình, có những cuộc biến hình giả tạo, tạm thời, nhưng cũng có cuộc biến hình thật sự và vĩnh viễn.

Trong đời sống, chúng ta thấy nhiều thiếu nữ mặt mũi cũng bình thường, nhưng đến ngày cưới, dưới bàn tay nghệ thuật của những người trang điểm, với chiếc váy cưới và đồ trang sức lấp lánh, chúng ta thấy cô gái ấy biến đổi lạ lùng, xinh đẹp. Có những nghệ sĩ trong đời thường không có gì đặc sắc, có khi còn xấu hơn người khác, nhưng qua nghệ thuật hoá trang, dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ, họ trở thành những con người phi thường, tài giỏi. Không ít người hâm mộ bị cuốn hút theo họ và tôn sùng họ như những thần tượng của mình. Nhưng sau ngày cưới, hay xong buổi trình diễn, ta thấy họ chỉ là những con người bình thường, có khi còn xấu xí, kém cỏi hơn ta. Đó là những cuộc biến hình tạm thời, nhiều khi giả tạo.

Có rất nhiều người muốn biến đổi đời mình một cách nhanh chóng, dù họ hiểu rằng cuộc biến hình đó sẽ không kéo dài bao lâu. Giống như người ta đi giải phẫu thẩm mỹ, sửa mũi, mắt, cằm, thậm chí bơm hoá chất để những phần thân thể của mình to lên. Nhưng những cuộc giải phẫu đó rất nguy hiểm cho tính mạng của họ vì đưa những vật thể không dung hợp với những tế bào sống của cơ thể.

Ngày nay không ít người hằng năm đi vào trong rặng núi Himalaya tìm những vị cao tăng, thiền sư ẩn cư trong đó để mong được biến đổi kỳ diệu hay học được những cách trường sinh bất tử. Mỗi năm chính phủ Ấn Độ phải cử nhiều đoàn máy bay trực thăng để cứu những người đó. Người ta tin có những chuyện biến đổi như thế khi đọc những cuốn sách như Hành trình về phương Đông, Đường mây qua xứ tuyết, hay Muôn kiếp nhân sinh…của tác giả Nguyên Phong. Nhưng đó không phải là cuộc biến hình thật sự vì chỉ là những tưởng tượng phóng tác của con người.

Đối mặt với cuộc sống thực tế, chúng ta lại thấy mình mỗi ngày già hơn, yếu hơn, xấu hơn và cuối cùng phải đối mặt với cái chết, buông bỏ tất cả tài sản, danh vọng để trở về với cát bụi. Vì thế, có nhiều người bi quan, không muốn trang điểm, sắm sửa, làm đẹp cho mình cũng như cho đời. Đó cũng là một thái độ không nên có của người tín hữu. Mỗi người chúng ta cần phải biến hình như Chúa Giêsu khi hiểu rằng tất cả những gì có vẻ tầm thường đó đều ẩn chứa tính vĩnh hằng.

Khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta giống hình ảnh mình, Ngài chia sẻ cho ta sự sống, tình yêu, quyền năng, vẻ đẹp và biết bao ân phúc của Ngài để ta biểu lộ cho mọi người, mọi vật thấy mình là hình ảnh thật sự của Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đã phản bội tình yêu của Chúa, đã cắt đứt mối hiệp thông với Ngài, nên đã bị biến đổi theo hướng tiêu cực: già nua, xấu xí, bẩn thỉu, tội lỗi. Vì thế, Thiên Chúa đã gửi Con của Ngài là Ngôi Lời trở thành người để giúp chúng ta biến đổi thật sự. Vì không hiểu được bản chất thật sự của mình, nên nhiều khi chúng ta thất vọng vì làn da xấu xí đen đủi, vì thân hình không được cao ráo, xinh đẹp, không có nhiều tài năng như người khác.

Đó là vì lớp hình thù vật chất bên ngoài đã che phủ hình ảnh thật sự của ta. Chúng ta giống như một khối đá khô ráp, nặng nề, cứng cỏi, làm cho người ta thấy vướng bận. Nhưng dưới bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc, khối đá đó dần dần trở thành bức tượng tuyệt vời, như những bức tượng của nhà điêu khắc đại tài Michelangelo được cả thế giới chiêm ngưỡng.

2. Vậy muốn biến đổi như Chúa Giêsu chúng ta phải làm gì?

Thiên Chúa đã gửi Con của Ngài đến với chúng ta, trở thành con người như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi, để giúp ta biến đổi hình tượng của mình thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu. Từ một con người bình thường như bao người khác, “dung nhan Người chói lọi như mặt trời” (Mt 17,2), thậm chí “y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ giặt nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3).

Các môn đệ cảm thấy hạnh phúc khi ở gần Chúa Giêsu: khi thấy Chúa Cha nói cho họ biết đây là Con yêu dấu của Ngài, khi thấy đám mây sáng láng bao phủ Chúa Giêsu, và các vị thánh nhân nổi tiếng như Môsê và Êlia mà cả đời họ mơ ước được tiếp xúc. Lúc đó các môn đệ mới khám phá ra con người thật sự của Chúa Giêsu. Chỉ sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, và Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ mới khám phá ra con người thật sự của mình cũng có thể biến đổi giống như Chúa Giêsu. Vì thế Chúa Giêsu mới căn dặn họ đừng kể cho ai biến cố này “cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Muốn biến hình thật sự chúng ta được đề nghị làm 2 việc sau đây. Trước hết cuộc biến hình thật sự chỉ thực hiện được với Chúa Giêsu. Nó có thể xảy ra hằng ngày khi chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu lên núi cao để tìm về nguồn hiện hữu là Thiên Chúa. Là con người, tâm trí chúng ta vẫn có những ý nghĩ xấu xa, những ước muốn bất chính để chiều theo những tham vọng và dục vọng thấp hèn. Chúng kéo ta sa lầy trong những hố thẳm của chết chóc và tội ác.

Ta được mời gọi hãy lên núi như Abraham để chứng minh tình yêu của ta dành trọn vẹn cho Thiên Chúa, dám từ bỏ tất cả, dù có phải hy sinh cả tương lai đời mình. Lên núi cao để tìm về nguồn sống của chúng ta là Thiên Chúa chứ đừng đi tìm những gì thấp hèn, chiều theo những tham vọng và dục vọng của con người. Đi lên núi cao là chúng ta chỉ nghĩ đến những điều tích cực, chỉ nói những lời chân thành, chỉ làm những việc chính đáng cho mọi người xung quanh ta. Mỗi lần cố gắng sống tích cực là chúng ta đang biến đổi chính mình như những con sâu đang chuyển mình thành bướm.

Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Chúa Cha nhắc nhở chúng ta “hãy vâng nghe lời Người” thì chúng ta mới có thể biến hình như Người. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta yêu thương cho đến cùng. Mỗi ngày chúng ta chấp nhận những đau khổ, hy sinh giống như những vết dùi, vết đục của người thợ điêu khắc đục vào những thân đá xù xì cứng nhắc của ta, để dần dần ta trở thành bức tượng tuyệt đẹp cho Chúa và cho con người. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình”. Hãy bước theo Người trên con đường thập giá thì mới tiến đến vinh quang phục sinh. Đó là lên núi cao với Chúa Giêsu.

Công việc thứ hai là chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để đạt được biến hình thật sự và trọn vẹn. Khi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta muôn vàn ơn phúc, nhất là những ơn đặc biệt của Thánh Thần. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hôm nay: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,34). Khi các tông đồ đón nhận Thánh Thần, các ngài cảm nhận mình được biến đổi trọn vẹn và mãi mãi. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận được điều này nếu ta gắn bó với Chúa Giêsu.

Lời kết

Như thế, cuộc biến hình của người tín hữu Công giáo không phải là chuyện tưởng tượng hão huyền, nhưng là một sự thật trong đời sống thực tế và nhiều vị thánh đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên cuộc biến hình đó chỉ đạt được nếu chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu lên núi cao và kết hợp mật thiết với Người. Thế nhưng nhiều người chúng ta lại sợ độ cao và muốn sống an thân! Còn bạn, bạn có thật sự muốn biến hình không?

Nguồn HKK