23/11/2024

Hạn mặn miền Tây tăng dần, khá gay gắt trong cuối tháng 2

Hạn mặn miền Tây tăng dần, khá gay gắt trong cuối tháng 2

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định tình hình hạn mặn tại miền Tây có thể gay gắt trong tháng 2 và kéo dài đến đầu tháng 3, sau đó giảm dần. Tuy không khốc liệt như mùa khô 2019-2020 nhưng cần phải chủ động ứng phó.

 

Hạn mặn miền Tây tăng dần, khá gay gắt trong cuối tháng 2 - Ảnh 1.

Nông dân miền Tây rầu rĩ với ruộng lúa chết khô vì thiếu nước – Ảnh: TIẾN TRÌNH

Hiện nay tại Nam Bộ, do dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 2 và kéo dài đến đầu tháng 3.

Nguyên nhân lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm, ông Nguyễn Kiệt, trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết từ ngày 5 đến 24-1, phía Trung Quốc cho bảo trì đập hồ chứa Cảnh Hồng và giảm lưu lượng xả ở mức 1.000m3/s.

Do đó từ nửa cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (tại trạm Kratie, Campuchia) về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 5-15%.

Trong tháng 3 (rơi vào thời kỳ giữa và cuối tháng), các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn xâm nhập mặn giảm dần, sau đó có xu hướng tăng lại. Dự báo phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất mùa khô năm 2021 tại các cửa sông Cửu Long khoảng 50-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 85-95km, sông Cái Lớn từ 45-55km.

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo để có những biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 3 đến 8, nguồn nước trên lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 20-30%, mức thiếu hụt cao hơn 30% xảy ra trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô.

Giai đoạn tháng 6 đến tháng 8, trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Nghiên cứu thay đổi vật nuôi, cây trồng

Theo ông Nguyễn Kiệt – trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đô thị hóa khiến nước lũ trong mùa lũ theo dòng chính chảy hết ra biển chứ không được tích trữ tại các vũng trùng như trước đây, do đó phải đưa nước từ vùng không nhiễm mặn về để xử lý mặn chứ không thể xử lý tại chỗ.

Ví dụ như tỉnh Bến Tre bị bao quanh bởi sông Hàm Luông và sông Tiền, vào mùa mặn hầu như tất cả các vùng tại tỉnh này đều bị ảnh hưởng, các hồ chứa nước ngọt cũng không ngoại lệ.

Để tránh thiệt hại vật nuôi, cây trồng do mặn, ông Kiệt chia sẻ: “Theo tôi biết, Tổng cục Trồng trọt đã có phát triển bản đồ chi tiết vùng mặn, lợ, ngọt ứng với các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vấn đề này nên áp dụng rộng vào thực tế để bà con miền Tây không bị thiệt hại trước hạn mặn”.

Về tình hình hạn mặn tại khu vực TP.HCM, ông Kiệt cho biết theo số liệu mới nhất, hạn mặn tại hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đang ở mức cao nhất, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016 (năm hạn mặn ảnh hưởng nặng đến TP.HCM).

Với mức độ xâm mặn này chưa gây ảnh hưởng đến nguồn nước thô của thành phố.

LÊ PHAN
TTO