Sông Cầu ô nhiễm, người dân 2 tỉnh kêu cứu: Bộ TN-MT yêu cầu dừng ngay xả thải
Sông Cầu ô nhiễm, người dân 2 tỉnh kêu cứu: Bộ TN-MT yêu cầu dừng ngay xả thải
Bộ TN-MT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị dừng ngay việc xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước dòng sông này.
Thủ phạm là nước thải khu công nghiệp
Từ khoảng 5 năm qua, sông Cầu bị ô nhiễm nguồn nước nặng nề, bốc mùi hôi thối, cá chết… làm khổ hàng vạn người dân của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hai ven bờ sông. Đáng lo dọc dòng sông Cầu có nhiều họng hút nước của nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt, cung cấp cho người dân ở 2 tỉnh này.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ H.Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm chảy vào. Nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm thuộc H.Tiên Du (Bắc Ninh) và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, CCN Phong Khê (phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh).
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, Bộ TN-MT mới đây đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá hợp lý để đảm bảo dòng chảy và không làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu. Trước mắt, cần dừng ngay việc xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu qua cống tiêu Đặng Xá.
Bộ TN-MT yêu cầu tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ và thông tin cho UBND tỉnh Bắc Giang trước khi điều chỉnh cống tiêu Đặng Xá xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu.
|
Bộ TN-MT đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần chỉ đạo Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra đột xuất xả nước thải của các cơ sở sản xuất làng nghề Phong Khê, CCN Phong Khê, CCN Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê. Nếu phát hiện vi phạm, cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tỉnh Bắc Ninh báo cáo tình hình xử lý ô nhiễm, đồng thời gửi cho UBND tỉnh Bắc Giang để thông tin cho người dân quanh các khu vực xã Vân Hà (H.Việt Yên).
Thanh tra việc cấp phép môi trường
Cũng theo Bộ TN-MT, thời gian tới sẽ tổ chức buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Giang để trao đổi về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê.
Bộ cũng sẽ trao đổi với lãnh đạo 2 tỉnh về việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống thu gom triệt để nước thải phát sinh). Nhà máy xử lý nước thải đủ công suất xử lý toàn bộ nước thải phát sinh tại CCN Phong Khê 1, CCN Phong Khê 2, CCN Phú Lâm, làng nghề tái chế kim loại Châu Khê, làng nghề gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang của TX.Từ Sơn, làng nghề tái chế giấy Phú Lâm của H.Tiên Du.
Đồng thời, Tổng cục Môi trường sẽ thanh tra các cơ sở do Bộ TN-MT cấp giấy phép về môi trường, các cơ sở còn lại do địa phương thực hiện thanh tra.
Đối với các trường hợp không đấu nối nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung hoặc không đóng phí xử lý nước thải, buộc đầu tư công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc dừng hoạt động.
|
Theo Bộ TN-MT, các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hoạt động xả nước thải vào sông Ngũ Huyện Khê sớm có lộ trình di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và hoàn thiện hạ tầng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đẩy nhanh đề án chuyển đổi mô hình làng nghề, CCN Phong Khê, CCN Phú Lâm thành trung tâm dịch vụ logistic và thương mại dịch vụ, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài có năng lực làm chủ đầu tư.
Theo thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh, riêng P.Phong Kê (TP.Bắc Ninh) có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được khoảng 3.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường này lên đến khoảng 10.000 m3/ngày đêm, hơn gấp 3 lần công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung. Còn tại CCN Phú Lâm, lượng nước thải hơn 4.000 m3/ngày đêm nhưng khu xử lý nước thải tập trung chưa hoạt động. Đây chỉ là 2 trường hợp đơn cử trong nhiều nguồn thải khác mà sông Cầu đang phải hứng chịu.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ TN-MT gửi văn bản đến địa phương đề nghị giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Cầu. Tháng 4.2020, Bộ TN-MT cũng gửi văn bản đến UBND các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường sông Cầu chảy qua địa phận 2 tỉnh này.
LÊ QUÂN
TNO