Chúa Nhật I Mùa Chay B 2021: Cám dỗ và thử thách

Bắt đầu Mùa Chay Thánh, Giáo Hội luôn mời gọi ta suy nghĩ về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa. Người không phải chỉ bị cám dỗ vào cuối thời gian ăn chay 40 ngày, nhưng theo Tin Mừng thánh Marcô (x. Mc 1,12-15), Người chịu Satan cám dỗ suốt 40 ngày như một cuộc thử thách dai dẳng, kéo dài suốt cuộc đời trần thế để nêu gương cho chúng ta trong cuộc chiến đấu ở trần gian.

Chúa Nhật I Mùa Chay B 2021

Cám dỗ và thử thách

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Bắt đầu Mùa Chay Thánh, Giáo Hội luôn mời gọi ta suy nghĩ về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa. Người không phải chỉ bị cám dỗ vào cuối thời gian ăn chay 40 ngày, nhưng theo Tin Mừng thánh Marcô (x. Mc 1,12-15), Người chịu Satan cám dỗ suốt 40 ngày như một cuộc thử thách dai dẳng, kéo dài suốt cuộc đời trần thế để nêu gương cho chúng ta trong cuộc chiến đấu ở trần gian. Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của thử thách và cám dỗ trong cuộc đời của Chúa Giêsu cũng như của từng người chúng ta.

1. Cám dỗ và thử thách thật sự là gì?

Theo Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2019: cám là gây xúc động, dỗ là nói để người khác làm theo. Cám dỗ là xúi giục để người khác làm theo. Theo Từ điển Tiếng Việt: cám dỗ là khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Cám dỗ, tr. 148).

Cám dỗ là việc của Satan và những kẻ theo nó xúi giục con người chống lại ý Thiên Chúa để làm điều xấu hay không làm điều thiện. Satan là kẻ cám dỗ, đã cám dỗ ông bà Nguyên tổ phạm tội (x. St 3,1-5) hay cám dỗ Đức Giêsu (x. Mt 4,3). Chính Chúa Giêsu đã chịu cám dỗ, nhưng Người đã chiến thắng. Dưới góc độ luân lý, chúng ta cần phải biết phân biệt “bị cám dỗ” và “chiều theo cơn cám dỗ”. Cám dỗ là con đường dẫn đến phạm tội, nhưng chưa phải là tội, mà có thể là cơ hội để rèn luyện nhân đức (x. GLHTCG, số 2847).

Để chiến thắng cơn cám dỗ, Chúa Giêsu dạy phải tỉnh thức và cầu nguyện (x. Mc 14,38). Thánh Phêrô nhắc nhở: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức… hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9). Thánh Phaolô khuyên ta: “Thiên Chúa sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức, nhưng khi để anh em bị cám dỗ, Ngài sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10,13; GLHTCG, số 2848).

Thử thách. Theo định nghĩa trong Từ điển Công giáo: thử là làm để xem kết quả ra sao, thách là đố làm một việc gì đó. Thử thách là cho trải qua những tình huống khó khăn, gian khổ để thấy rõ tinh thần, nghị lực và khả năng của con người.

Có hai dạng thử thách:

– Thử thách là việc Thiên Chúa cho phép xảy ra những đau khổ, những trái ý trong cuộc đời con người để giáo dục và giúp con người trưởng thành trong đức tin (x. Đnl 8,2-3) hay các đức tính khác.

– Thử thách là việc của con người, vì không tin tưởng và kính sợ Thiên Chúa, nên con người đòi hỏi Thiên Chúa phải chứng minh sự hiện diện và quyền năng của Ngài (x. Xh 17,27; Tv 95,9). Hành động thử thách Thiên Chúa là dùng lời nói hay việc làm để thử thách sự tốt lành và sự toàn năng của Ngài (GLHTCG, số 2118). Satan đã thử thách Chúa Giêsu khi xúi giục Chúa Giêsu gieo mình từ trên nóc đền thờ xuống, ép buộc Thiên Chúa phải hành động, nhưng Chúa Giêsu đã dùng lời Thiên Chúa đáp lại: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi” (Mt 4,7).

2. Cám dỗ và thử thách của Đức Giêsu Kitô

Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, nên Người vừa chịu đựng những thử thách đến từ Thiên Chúa hoặc đến từ con người, vừa chiến đấu chống lại những cơn cám dỗ đến từ quỷ dữ, tà ma và những kẻ theo chúng.

Vì là một con người có ý thức và tự do chọn lựa, nên Đức Giêsu sẵn sàng đón nhận những thử thách của Chúa Cha để chứng tỏ Người xứng đáng là Con yêu dấu, hoàn toàn vâng phục Cha mình. Người đón nhận tất cả những đau khổ, sỉ nhục và cái chết trên thập giá (x. Ga 12,27) như một thử thách lớn lao nhất, để chứng tỏ tình yêu trọn vẹn dành cho Cha mình cũng như cho anh chị em của mình là toàn thể nhân loại và vũ trụ.

Trong đời sống trần thế, Người cũng biết đến những thử thách của con người khi họ yêu cầu phải làm những dấu lạ từ trời thì họ mới tin Người đến từ Thiên Chúa, hay yêu cầu Người xuống khỏi thập giá (x. Lc 23,35) mới tin Người là Đấng Kitô. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không làm theo những thử thách của con người vì Người không cần chứng minh những sự thật hiển nhiên về Người. Người không muốn dùng các phép lạ để cưỡng ép lòng tin của những kẻ thách thức mình. Người tôn trọng tự do của họ và mời gọi họ khám phá ra sự thật của Người để tự nguyện tin theo.

Chúa Giêsu cũng bị Satan cám dỗ để tìm sự no đủ, vinh hoa, an toàn của trần thế đi ngược với tinh thần nghèo khó, dám hy sinh cho đến chết và vâng phục hoàn toàn ý muốn của Chúa Cha (x. 3 cơn cám dỗ của quỷ dữ trong Tin Mừng Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Người bị cám dỗ bởi những con người muốn đi ngược với ý của Chúa Cha nơi bà con của mình (x. Mc 3,33tt), nơi Phêrô (x. Mc 8,33). Nơi Đức Giêsu bị thử thách và cám dỗ chỉ là một. Người đã vượt thắng cả hai để nêu gương chiến đấu và vâng phục cho chúng ta. Người đã chịu thử thách và cám dỗ về mọi phương diện, đã nên giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi (x. Hr 2,17-18). “Người đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3,18).

3. Cám dỗ và thử thách của chúng ta

Mỗi người chúng ta, với tư cách là một con người được tự do chọn lựa và cũng là môn đệ của Chúa Giêsu, ta cũng phải đón nhận và đương đầu với những cám dỗ và thử thách trong suốt cuộc đời mình. Chúng ta không thể sống mãi như một trẻ thơ, nằm ngủ an bình trong vòng tay che chở của cha mẹ.

Chúa Cha muốn chúng ta trở nên những con người trưởng thành, dám đương đầu với mọi cơn thử thách của Ngài để rèn luyện chúng ta cho xứng đáng, đầy đủ phẩm chất, đức hạnh và hoàn thành sứ mệnh cứu độ với Chúa Giêsu. Vì thế, những bệnh tật, thất bại, hiểm nguy đều là những cơ hội, những ân huệ cho chúng ta phát triển và thăng hoa chứ không phải là tai hoạ.

Hơn nữa, vì là môn đệ của Đức Giêsu, nên chúng ta sẽ phải đương đầu với đủ loại cám dỗ đến từ ma quỷ và những người chống đối Đức Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta để khám phá ra những mưu ma chước quỷ và lòng dạ thâm độc của con người. Chính Ngài sẽ là sức mạnh để chúng ta chiến đấu và chiến thắng như đã thúc đẩy Đức Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ.

Trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho ta rất nhiều ân huệ của Ngài để chúng ta vượt qua chính mình vì không phải lúc nào chúng ta cũng chiến thắng như Đức Giêsu. Thực tế đời sống sẽ cho chúng ta cảm nghiệm rằng có nhiều lần chúng ta đã thất bại, đã chiều theo cơn cám dỗ, đã sa ngã và phạm tội. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng vì sự yếu đuối của mình, nhưng hãy khiêm tốn thú nhận tội lỗi và ăn năn sám hối. Vì thế, Mùa Chay Thánh sẽ còn kéo dài mãi trong suốt cuộc đời mỗi người.

Sau cùng, chúng ta còn có nhiệm vụ giúp anh chị em mình vượt qua cơn cám dỗ và thử thách, vì chúng ta là những phần trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Sự sa ngã, yếu đuối của người này đều ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người khác cũng như cho toàn thân. Chúng ta cùng giúp nhau đón nhận thử thách và chia sẻ cho nhau những phúc lành vật chất cũng như tinh thần của Chúa để vượt qua cơn thử thách. Chúng ta chia sẻ cho nhau những hiểu biết để khám phá những cơn cám dỗ và cầu nguyện cho nhau để khỏi “sa chước cám dỗ”. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của người môn đệ Chúa Kitô.

Lời kết

Hiểu được ý nghĩa và giá trị của thử thách cũng như cám dỗ trong đời sống, chúng ta sẽ bình tĩnh và can đảm hơn khi gặp chúng. Chúng ta sẽ gắn bó với Chúa Giêsu và noi gương Người để hoàn toàn vâng theo ý Cha Trên Trời để tiếp tục lời rao giảng của mình cho thế giới hiện nay: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

HKK.