Chúa Nhật XXXIV TN B 2018: Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Chính khi thực hiện nhiệm vụ của người công dân trong Nước của Vua Giêsu như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được quyền lợi cao quý mà Đức Giêsu dành cho thần dân của Người. Đó là được Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống phi thường của chính Thiên Chúa.
Chúa Nhật XXXIV TN B 2018
Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi ta cử hành lễ Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ trụ như hướng ta đến điểm kết thúc của lịch sử giữa muôn vàn biến động của thế giới. Khi tin tưởng và hy vọng vào cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu, đời sống chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, dù chúng ta có phải đánh đổi bằng cái chết trên thập giá như Chúa Giêsu.
1. Cuộc chiến giành quyền lực ở trần thế
Thị kiến của tiên tri Đaniel qua Bài đọc I (x. Đn 7,13-14) nói về bốn con thú từ biển đi lên (câu 3) với Con Người từ mây trời ngự đến là những hình ảnh tương phản diễn tả cuộc chiến tranh giành quyền lực ở trần thế.
Các con mãnh thú tượng trưng cho các vương quốc cai trị nối tiếp nhau đàn áp dân Thiên Chúa. Nhìn lại dòng lịch sử nhân loại, chúng ta thấy biết bao đế quốc đã nổi lên, chiếm đoạt quyền lực bằng những cuộc chiến tranh khốc liệt đẫm máu với hàng triệu người chết. Những đế quốc thời xưa như Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập rồi đến các đế quốc gần đây như một vài nước ở châu Âu. Gần hơn nữa là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa Tư bản và Cộng sản với hai cuộc chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, tất cả các đế quốc đó đã và sẽ sụp đổ vì họ xúc phạm đến chính con người, nhất là những con người bé nhỏ, nghèo hèn. Chúng chỉ là những con mãnh thú cắn xé, giết hại, gây khổ cho con người.
Chỉ có “Con người từ trời đến”, từ nơi Thiên Chúa hằng sống như vị lão thành mà đến, mới thật sự cứu độ thế giới. Đấng đó sẽ nhận được vương quyền vĩnh cửu để thống trị mọi dân tộc, quốc gia, ngôn ngữ (Đn 7,14) do Thiên Chúa ban cho, vì Ngài là Thiên Chúa Tạo hoá đã dựng nên toàn thể vũ trụ này. Nhưng con người này là ai và đã làm gì để đáng lãnh nhận vương quyền đó?
2. Đức Giêsu là vua vũ trụ
Bài sách Khải Huyền (x. Kh 1,5-8) và bài Tin Mừng (x. Ga 18,33-37) trả lời cho ta câu hỏi này.
Con người này là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, như chính Người đã nhiều lần tự xưng mình như thế trong các sách Phúc Âm. Người đã làm 3 việc để lãnh nhận vương quyền như sách Khải Huyền ghi lại: “Đức Giêsu Kitô là vị chứng nhân trung thành, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là thủ lãnh mọi vương đế trần gian” (Kh 1,5).
– Việc thứ nhất: làm chứng cho sự thật. Đức Giêsu xác định với quan Philatô rằng: “Tôi là vua, tôi đã sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật”.
Sự thật nào? Đó là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
– Việc thứ hai: “Người Con này đã yêu mến chúng ta và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, nên Người trở thành trưởng tử trong số những người chỗi dậy từ cõi chết”. Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu chứng tỏ Người đã chiến thắng mọi thế lực trần gian và quỷ dữ tạo nên cái chết, khi cám dỗ con người và kéo theo sự huỷ diệt của cả vũ trụ, vì vạn vật và con người liên kết chặt chẽ với nhau. Khi Đức Giêsu giải thoát con người khỏi sự chết thì vũ trụ cũng được thông phần vào sự phục sinh của con người, nên Đức Giêsu cũng là vua của toàn thể vũ trụ.
– Việc thứ ba: Đức Giêsu làm cho mọi người được cứu độ “trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6). Người thiết lập Nước Trời để quy tụ mọi người trong vương quyền của mình. Nước Trời diễn tả một vùng đất linh thiêng trong đó mọi dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định. Nước này có hiến pháp là luật yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương”. Nước này có hiến chương là “Tám mối phúc” chi phối mọi hoạt động của các công dân. Mọi thần dân trong Nước Trời sống trong chế độ phục vụ của Chúa Giêsu Kitô để nhận lãnh được “sự thật và sự sống, sự thánh thiện và ân sủng, công lý, bình an và tình yêu” (Kinh Tiền Tụng).
Nước đó không thuộc về trần gian như Đức Giêsu đã xác định, vì đó là Nước đến từ Trời, nhưng lại thiết lập ở trần thế để cứu những người sống trong vũ trụ này khi đem lại cho họ sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã biểu lộ Nước đó qua các phép lạ, qua lời giảng đầy uy quyền, nhất là qua cái chết và sự sống lại của Người để chứng tỏ cho người Do Thái và mọi người.
3. Nhiệm vụ của các công dân Nước Trời
Nhiều tín hữu Công giáo vẫn chưa ý thức mình là những công dân Nước Trời và chưa biết nhiệm vụ của mình ở trần thế này là để làm gì. Thay vì hành động cứu độ như Đức Giêsu, họ lại muốn bành trướng quyền lực của Giáo Hội bằng cách chiếm những vùng đất để cai quản theo ý của mình như thể giáo phận, giáo xứ là của họ, xây thật nhiều những thánh đường nguy nga và các cơ sở vật chật to lớn, tổ chức những nghi lễ thật đông đảo, hoành tráng để biểu dương “lực lượng” và quyền lực không khác gì các mãnh thú và vương quyền của chúng. Đức Giêsu lại nhắc nhở chúng ta hôm nay rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Giáo hội Công giáo đã cảm nhận được mối nguy hiểm khi chạy theo quyền lực thế gian, khi phải nhượng bộ các vua chúa trong các đế quốc để tìm sự bình an giả tạo cho tín hữu của mình. Vào thời Trung cổ, khi vị giáo hoàng đòi đội vương niệm cho các vua chúa ở châu Âu thì một số tiểu vương quốc ở Đức, Thuỵ Sĩ đã chối bỏ quyền lãnh đạo của Giáo hoàng Rôma và từ đó phát sinh các hệ phái Tin Lành Luther và Calvin. Vì thế, với Hiệp ước Lateranô năm 1929, Giáo hội Công giáo đã tự nguyện từ bỏ vương quốc Vatican rộng lớn hàng trăm ngàn kilômét vuông để chỉ giữ lại một mảnh đất nhỏ hiện nay với diện tích 0,44km2 và dân số khoảng 1000 người để phục vụ giáo hội toàn cầu.
Vì thế, nhiệm vụ của người công dân Nước Trời không phải là tìm cách bành trướng quyền lực, ảnh hưởng của cá nhân mình, của tổ chức hay cộng đồng của mình, nhưng chính là thực hiện lại các hành động của Vua Giêsu. Đó là
* Làm chứng cho tình yêu của Chúa Cha.
* Yêu thương đến cùng như Chúa Con để giải thoát con người và thế giới.
* Xây dựng Nước Trời bằng những hành động cụ thể để đem lại sự thật, sự sống, sự thánh thiện, ân sủng, công lý, bình an và tình yêu cho mọi người mọi vật quanh mình.
Lời kết
Chính khi thực hiện nhiệm vụ của người công dân trong Nước của Vua Giêsu như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được quyền lợi cao quý mà Đức Giêsu dành cho thần dân của Người. Đó là được Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống phi thường của chính Thiên Chúa. Khi đó chúng ta mới có thể đem lại cho thế giới tràn đầy biến động, tranh chấp, xung đột vì quyền lợi này niềm vui, bình an và hạnh phúc để toàn thể vũ trụ đều được sống trong tình yêu cứu độ của Vua Giêsu.