Xuất hiện bằng chứng biến thể virus corona kháng vắc xin
Xuất hiện bằng chứng biến thể virus corona kháng vắc xin
Ba nghiên cứu mới nhất cùng đi đến một phát hiện đáng lo ngại: Biến thể của virus corona ở Nam Phi có tiềm năng kháng các loại vắc xin đang lưu hành, người đã nhiễm COVID-19 vẫn có nguy cơ nhiễm lại.
Biến thể 501Y.V2 của virus corona được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng 10-2020, đến nay đã xuất hiện ở hàng chục quốc gia trên toàn cầu. Khả năng lây lan nhanh là điều đáng lo nhưng có vẻ mọi thứ chưa dừng lại ở đó.
Theo tạp chí Nature, ba nghiên cứu công bố liên tiếp trong tuần này ghi nhận biến thể này còn có khả năng lẩn tránh phản ứng miễn dịch tạo ra do vắc xin và lần nhiễm bệnh COVID-19 trước (gây ra do chủng virus cũ).
“Một số dữ liệu đọc được trong 48 giờ qua khiến tôi thấy hãi hùng”, ông Daniel Altmann, nhà miễn dịch học thuộc Trường Imperial College London, chia sẻ về phát hiện mới.
Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm nhà khoa học Nam Phi thử trích lấy kháng thể của 6 bệnh nhân COVID-19 từng nhập viện trước khi biến thể 501Y.V2 xuất hiện. Họ nhận thấy ở các mức độ có khác nhau, cả 6 mẫu đều không thể kháng cự lại biến thể mới.
“Tôi nghĩ ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy những kiểu biến thể này sẽ xuất hiện thêm trên toàn cầu – thậm chí chúng đã xuất hiện rồi – với khả năng lẩn tránh kháng thể của những lần nhiễm bệnh trước”, ông Alex Sigel, nhà virus học thuộc Viện Nghiên cứu sức khoẻ châu Phi, nhận định trên Đài CNN.
Phát hiện của nhóm ông Sigal tương tự với nghiên cứu công bố ngày 19-1 của Viện quốc gia về Bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi.
Theo kết quả, kháng thể của một nửa trong số 44 người từng nhiễm COVID-19 hoàn toàn bất lực trước biến thể mới, số còn lại phản ứng yếu và chỉ duy nhất một người có phản ứng tốt.
Còn trong nghiên cứu thứ ba do Đại học Rockefeller (Mỹ) tiến hành, cũng công bố ngày 19-1, nhóm nghiên cứu lấy mẫu máu của 20 người được tiêm vắc xin của Pfizer và Moderna để thử nghiệm với biến thể ở Nam Phi.
Họ quan sát thấy những đột biến của virus quả thật giúp nó lẩn tránh kháng thể do vắc xin kích hoạt nhưng không hoàn toàn. Tuy nhiên nghiên cứu này không đầy đủ bằng 2 nghiên cứu của Nam Phi do số lượng đột biến được theo dõi ít hơn (3 so với 8).
Cả 3 nghiên cứu trên đều được tiến hành trong môi trường phòng thí nghiệm, các nhà khoa học vẫn cẩn trọng với kết quả vì những gì diễn ra trong cơ thể người phức tạp hơn nhiều.
Hiện tại khoa học chưa thể trả lời câu hỏi về ý nghĩa của những phát hiện trên. Liệu đó có phải lý do các trường hợp tái nhiễm COVID-19 xuất hiện ngày càng nhiều? Người đã tiêm vắc xin vẫn gặp nguy cơ?
Và còn rất nhiều câu hỏi khác đang chờ được giải đáp trong những tháng sắp tới.