29/11/2024

Có 50% loại ung thư không thể phòng ngừa được

Để kiểm soát ung thư không có cách nào khác là phải phòng ngừa nguyên phát. Tuy nhiên, có 50% loại ung thư không thể phòng ngừa được.

 

Có 50% loại ung thư không thể phòng ngừa được

Để kiểm soát ung thư không có cách nào khác là phải phòng ngừa nguyên phát. Tuy nhiên, có 50% loại ung thư không thể phòng ngừa được.

 

 

Giáo sư - tiến sĩ Alexandru Eniu (bên trái) cho rằng các nước cần có hành động cụ thể để phòng chống ung thư /// DUY TÍNH

Giáo sư – tiến sĩ Alexandru Eniu (bên trái) cho rằng các nước cần có hành động cụ thể để phòng chống ung thư   DUY TÍNH

 
Thế giới đang trải qua đại dịch ung thư toàn cầu, sẽ có rất nhiều người mắc ung thư mới trong thời gian tới. Đó là đánh giá của giáo sư – tiến sĩ Alexandru Eniu, Viện Ung thư Ion Chiricuta (Romania), Chủ tịch nhóm chính sách toàn cầu về ung thư, thành viên ban điều hành Hội ung bướu nội khoa châu Âu, tại Hội nghị khoa học công nghệ Bệnh viện (BV) Q.Thủ Đức TP.HCM lần IV năm 2018, diễn ra ngày 21.11.
 
“Từ năm 2012 đến 2030 thế giới có sự gia tăng rất lớn về dân số nhưng số ca mắc mới chủ yếu xuất hiện các quốc gia có thu nhập trung bình. Số lượng tử vong do ung thư cao hơn nhiều so với lao, HIV… cộng lại. Đến năm 2030, ước tính số ca mắc ung thư mới là 21,6 triệu ca. Các quốc gia có nguồn lực hạn chế thì số tử vong do ung thư nhiều hơn”, giáo sư – tiến sĩ Alexandru Eniu nói.
 
Ông Eniu cho biết, dữ liệu từ Viện nghiên cứu ung thư thuộc WHO, cho thấy hiện 1/2 gánh nặng ca mắc mới ung thư nằm ở châu Á (gần 9 triệu ca) và số tử vong cũng chiếm phân nửa với 5,7 triệu ca. Khu vực châu Á chiếm hơn 50% dân số thế giới và chiếm 50% gánh nặng ung thư toàn cầu.
 
Theo ông Eniu, các loại ung thư liên quan đến cấp độ phát triển của đất nước, trong đó có chỉ số phát triển con người.
 
Đặc biệt, theo ông Eniu có đến 90% dân số ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình người dân khó tiếp cận xạ trị; 93% lượng morphin được tiêu thụ các quốc gia thu nhập cao, còn lại là ở các nước có số thu nhập thấp và trung bình.
 

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Q.Thủ Đức TP.HCM, cho biết ung thư hiện nay là vấn đề toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018 thế giới có 18 triệu ca mắc ung thư mới và 9,6 triệu ca tử vong.
 
Thường gặp nhất là ung thư phổi, vú và trực tràng. 70% tử vong do ung thư là từ các nước thu nhập từ thấp đến trung bình, phần lớn bệnh nhân đến trễ và khó tiếp cận với phương pháp điều trị ung thư. 
 
Tại Việt Nam, năm 2018 thống kê có 164.000 ca ung thư mới và 114.000 ca tử vong do ung thư.
 
Qua đó, ông Alexandru Eniu cho rằng: Các quốc gia cần đầu tư về giáo dục để phát hiện sớm, sau đó là sàng lọc ca bệnh. Cơ sở hạ tầng phải có đầy đủ thuốc, xạ trị, phẫu trị và con người; để kiểm soát ung thư không có cách nào khác là phải phòng ngừa nguyên phát. Tuy nhiên, có 50% loại ung thư không thể phòng ngừa được.
 
Do đó điều trị là thiết yếu, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân là cần thiết. Các biện pháp điều trị ung thư không đắt tiền điều trị được cho hơn 80% số ca. Phải chuẩn bị điều trị bằng: chẩn đoán phù hợp và sớm, thay đổi hệ thống y tế, có phương pháp can thiệp hiệu quả về kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, cần điều trị ung thư một cách toàn diện. Các nước cần có chương trình kiểm soát ung thư tầm quốc gia với các hành động cụ thể.
 
“Bệnh ung thư là gánh nặng lớn về kinh tế nên phải phân tích cho từng ca, quần thể gia đình, hệ thống y tế, xã hội… để có đầy đủ dữ liệu, đánh giá mà đầu tư có hiệu quả”, ông Eniu kết luận.
 
 
DUY TÍNH