TP.HCM có 5.500 ca nhiễm HIV mới mỗi năm
TP.HCM có 5.500 ca nhiễm HIV mới mỗi năm
Số người nhiễm HIV mới được phát hiện tại TP.HCM hằng năm là khoảng 5.500 trường hợp, trong đó có khoảng 3.300 thường trú tại TP (chiếm 60%).
Ngày 14-1, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết hành trình 30 năm phòng chống HIV/AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại TP.HCM.
Ông Phạm Đức Mạnh – phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) – cho biết kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1990, đến nay cả nước đã báo cáo hơn 320.000 người nhiễm HIV, trong đó 107.000 người đã qua đời. TP.HCM chiếm 1/4 số người nhiễm HIV, cũng là thành phố có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước.
Đến nay tròn 40 năm chưa tìm được vắc xin để ngăn chặn HIV/AIDS, trong bối cảnh dịch HIV/AIDS đang thay đổi hình thái lây nhiễm HIV, người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa và khó nhận diện hơn. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS để hướng tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm sóat bệnh tật TP.HCM – cho biết đến nay TP cơ bản đạt mục tiêu 90-90-90 của Bộ Y tế (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp) với kết quả thực hiện được là 88-89-98, cơ bản đã kiểm soát được đại dịch HIV.
Số người nhiễm HIV mới được phát hiện tại TP hằng năm là khoảng 5.500 trường hợp, trong đó có khoảng 3.300 thường trú tại TP (chiếm 60%). Trong số này có khoảng 22% là người được chẩn đoán mới nhiễm HIV nên có thể có tải lượng virus cao. Bản thân họ cũng không biết mình bị nhiễm nên tiếp tục có hành vi lây nhiễm HIV cho bạn tình, bạn chích, trở thành nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
Ngoài ra, nguồn lây nhiễm cấp tập trung trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), với khoảng 50-60% ca nhiễm được phát hiện thuộc nhóm này. Tỉ lệ nhóm MSM nhiễm mới tăng từ 1,7% năm 2010 lên 50,4% (ước năm 2020) và 84% nhóm quan hệ tình dục đồng giới mới nhiễm HIV trong vòng 6 tháng qua.
Ông Dũng cho biết để tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, TP tiếp tục mở rộng điều trị dự phòng và điều trị ARV, tăng cường phát hiện ca nhiễm mới, kiểm soát các chuỗi lây nhiễm HIV cấp, liên kết vùng…
Đặc biệt hiện nay số người nhiễm HIV mới phát hiện hằng năm tại TP.HCM có đến 40% là người từ các tỉnh/thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố phía nam. Chính vì vậy việc liên kết vùng là một trong những hoạt động chính để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Bác sĩ Nguyễn Lê Như Tùng – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị cho khoảng 2.000 người nhiễm HIV. Hiện nay bệnh nhân HIV đầu tiên được phát hiện và điều trị tại TP.HCM có sức khỏe tốt, sinh hoạt bình thường, tải lượng virus âm tính. Bệnh nhân được chăm sóc và điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, sử dụng và thăm khám đều đặn, tuổi thọ của bệnh nhân giống như những người bình thường.