24/11/2024

Hà Nội ứng phó với ô nhiễm không khí như thế nào?

Hà Nội ứng phó với ô nhiễm không khí như thế nào?

Hà Nội vừa yêu cầu các sở ban ngành khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó ô nhiễm không khí.
UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở ban ngành xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó ô nhiễm không khí /// Ảnh Lê Quân
UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở ban ngành xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó ô nhiễm không khí  ẢNH LÊ QUÂN
Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội mới cho biết, đã ký văn bản yêu cầu các sở ban ngành xây dựng kịch bản ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, không khí.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, công trình cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè. Sở Y tế phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức rất xấu, nguy hại để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong các dịp lễ, tết cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở TN – MT vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí, truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Bên cạnh đó phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm để kiểm tra, đôn đốc vận động người dân không đốt rơm rạ; rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than, than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn.
Hà Nội ứng phó với ô nhiễm không khí như thế nào? - ảnh 1

Tuyên truyền vận động người dân ở ngoại thành Hà Nội không đốt rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế tác động xấu đến không khí  ẢNH NGỌC THẮNG

UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu Công an TP.Hà Nội tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel; không bảo đảm che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường.

Cứ đến cuối năm là ô nhiễm không khí trở lại

Trước đó, Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT nhận định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã trở thành quy luật vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, theo kết quả quan trắc chất lượng không khí trong tháng 12.2020 và đầu tháng 1.2021 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 tại Hà Nội cao hơn so với các đô thị khác.
Riêng Hà Nội đã có 22/34 ngày giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 (tính trung bình các trạm) vượt giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,2 đến 2 lần.
Tổng cục Môi trường đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày cho kết quả, tại Hà Nội, khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức “kém”. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 12.2020 và đầu tháng 1.2021, chỉ số AQI đã chạm mức “xấu”.
Hà Nội ứng phó với ô nhiễm không khí như thế nào? - ảnh 2

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trở lên nghiêm trọng hơn vào thời điểm cuối năm ẢNH LÊ QUÂN

Cũng theo Tổng cục Môi trường, một nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh tiêu cực đến chất lượng không khí các tỉnh khu vực phía Bắc.
Ông Bùi Duy Cường, Phó giám đốc Sở TN – MT Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong những ngày qua có yếu tố giai đoạn đầu gió mùa Đông Bắc tăng cường, thúc đẩy khả năng khuếch tán chất gây ô nhiễm. Cộng hưởng với đó là hiện tượng nghịch nhiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, tạo sương mù dày đặc, cản trở khuếch tán không khí, gây ô nhiễm cục bộ. Cũng theo ông Cường, lượng phương tiện giao thông ở Hà Nội gia tăng mạnh; tình trạng ùn ứ, tắc đường; đốt rơm rạ, than tổ ong; các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè; rác thải ùn ứ… đều góp phần vào việc gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Dự báo, từ nay đến tháng 3.2021 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất thường, gây suy giảm chất lượng không khí.
LÊ QUÂN
TNO