Hướng dẫn của Toà Thánh về việc sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19
Ngày 29/12/2020, Uỷ ban Covid-19 của Vatican và Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đã phát hành tài liệu chung gồm 20 điểm, đề cập đến các vấn đề và ưu tiên, những điều phát sinh ở các giai đoạn khác nhau của vắc-xin, từ việc nghiên cứu và phát triển đến bằng sáng chế và khai thác thương mại, bao gồm phê duyệt, phân phối và quản lý.
Tài liệu nhắc lại vai trò quan trọng của vắc-xin trong việc đánh bại đại dịch, không chỉ đối với sức khỏe cá nhân mà còn để bảo vệ sức khoẻ của tất cả mọi người. Uỷ ban của Vatican và Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống nhắc nhở các nhà lãnh đạo thế giới rằng vắc xin phải được cung cấp cho tất cả mọi người một cách công bằng và bình đẳng, ưu tiên những người cần nhất.
Các nguyên tắc công bằng, liên đới và bao gồm
Tài liệu nhận định rằng các nguyên tắc công bằng, liên đới và bao gồm là các tiêu chí chính cần được tuân thủ để đối mặt với những thách thức do tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Theo tài liệu, các công ty được đánh giá tích cực là những công ty “góp phần vào việc bao gồm những người bị loại trừ, thăng tiến những người rốt cùng, đóng góp cho công ích và chăm sóc thụ tạo”. Do đó, la bàn thiết yếu là các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, như “phẩm giá con người và chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, tình liên đới và trợ cấp, công ích và chăm sóc ngôi nhà chung, công lý và đích đến phổ quát của hàng hoá”.
Nghiên cứu, sản xuất, vật liệu
Về quá trình sản xuất các loại vắc-xin được sử dụng hiện nay, có liên quan đến việc sử dụng các dòng tế bào lấy từ các bào thai bị phá thai từ những năm 1970, tài liệu của Toà Thánh nói rằng chúng ta có thể sử dụng “tất cả các loại vắc xin được đề nghị, với lương tâm chắc chắn rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không có nghĩa là hợp tác trong việc phá thai tự nguyện”.
Bằng sáng chế
Nói về bằng sáng chế, tài liệu của Uỷ ban Vatican về Covid-19 và Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống nói rằng việc khai thác thương mại như là mục tiêu duy nhất thì “không được chấp nhận về mặt đạo đức trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ”. “Đầu tư vào lĩnh vực y tế nên tìm thấy ý nghĩa sâu xa nhất của chúng trong tình liên đới của con người.” Cần cộng tác hơn là đối kháng và cạnh tranh. Phải khắc phục mọi hình thức “chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin”. Sản xuất công nghiệp vắc-xin có thể trở thành “hoạt động hợp tác giữa các quốc gia, công ty dược phẩm và các tổ chức khác”.
Các vấn đề đạo đức
Về trách nhiệm luân lý đạo đức của việc tiêm chủng, Uỷ ban Vatican Covid-19 và Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống tái khẳng định rằng vấn đề này bao hàm “mối quan hệ giữa sức khoẻ cá nhân và sức khoẻ cộng đồng, cho thấy sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau của chúng”. Từ chối vắc-xin cũng có thể gây rủi ro cho những người khác. (CSR_9639_2020