Nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong việc trợ giá xe buýt
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo Thành uỷ, HĐND, UBND TP.HCM về các vấn đề Tuổi Trẻ đã phản ánh trong bài “Bất thường trợ giá xe buýt”. Vẫn còn nhiều “bất thường” cần được làm rõ.
Nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong việc trợ giá xe buýt
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo Thành uỷ, HĐND, UBND TP.HCM về các vấn đề Tuổi Trẻ đã phản ánh trong bài “Bất thường trợ giá xe buýt”. Vẫn còn nhiều “bất thường” cần được làm rõ.
Nguồn tài liệu phóng viên Tuổi Trẻ thu thập được thể hiện những dấu hiệu “bất thường trợ giá xe buýt” đã có từ năm 2017.
Thương thảo trước, duyệt dự toán sau
Theo dự toán được duyệt, năm 2018 Sở GTVT được giao 1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt. Giữa năm, sở đã gửi kiến nghị bổ sung 330 tỉ đồng, sau đó giảm khoản xin thêm còn 168 tỉ.
Dù kinh phí xin thêm chưa được duyệt, sở đã ký quyết định dùng ngân sách giao cả năm phân bổ cho 4,9 triệu chuyến (cắt 1 triệu chuyến so với kế hoạch) làm cơ sở thương thảo hợp đồng với đơn vị vận tải.
Giải trình vấn đề này, Sở GTVT cho rằng các đơn vị vận tải không đồng ý với dự toán chi tiết của Trung tâm quản lý giao thông công cộng trong cuộc họp ngày 20-3, trước khi ký dự toán chi trợ giá xe buýt tới 5 tháng (ký ngày 15-8).
Sở cũng nêu lý do trước khi ký quyết định đã xin ý kiến và được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương.
Khi được hỏi vì sao dự toán chưa duyệt mà đơn vị vận tải đã biết không đủ để xin thêm tiền, đại diện sở nói: “Các đơn vị vận tải họ biết trợ giá năm nay 1.000 tỉ đồng là không đủ và từ chối ký hợp đồng”.
Theo một chuyên gia vận tải, căn cứ quyết định 53/2017 của UBND TP.HCM về quy chế đấu thầu, đặt hàng sản phẩm dịch vụ công ích, việc chưa duyệt dự toán mà đã tổ chức họp làm cơ sở đàm phán hợp đồng là chưa đúng trình tự và quy định pháp luật.
Về kiến nghị xin thêm tiền, UBND TP.HCM mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương và giao Sở Tài chính thẩm định, trình thành phố xét duyệt bổ sung. Trên thực tế, đến tháng 11-2018 Sở Tài chính vẫn đang thẩm định và chưa trình thành phố xem xét.
Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, Sở GTVT chưa giải trình rõ bằng phương pháp và cơ sở nào để kéo giảm doanh thu vé đặt hàng ở hầu hết các tuyến xe buýt với mức giảm khoảng 170 tỉ đồng so với năm trước, làm ngân sách phải gánh thêm.
Sở cũng chưa nêu lý do điều chỉnh tuyến cao, tuyến thấp, có hiện tượng “ưu ái, thiên vị” (theo như phản ảnh của các đơn vị).
Trong khi đó, giải thích chuyện giảm doanh thu đặt hàng làm tăng trợ giá, ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM, chỉ nói chung chung: “Do phương pháp, cách tính và cần xem lại để nắm rõ hơn về các thông số”. Còn ý kiến phân bổ trợ giá có hiện tượng “thiên vị”, ông Hải nói: “Quan điểm của sở là không bao giờ có thiên vị”.
Liên tục điều chỉnh hợp đồng, nâng trợ giá
Các tờ trình, quyết định duyệt dự toán điều chỉnh cho thấy trong năm 2017, có hiện tượng sau khi ký hợp đồng đặt hàng chính thức, Sở GTVT đã tiếp tục điều chỉnh tăng trợ giá/chuyến, tạo điều kiện cho đơn vị vận tải nhận mức trợ giá cao hơn.
Nhưng mức tăng trợ giá giữa các tuyến không đồng đều, có tuyến tăng trăm triệu, có tuyến tăng hàng tỉ đồng.
Theo thông tin từ một số đơn vị vận tải, từ giữa năm 2017, hầu hết các doanh nghiệp đã đồng ý ký hợp đồng đặt hàng với mức trợ giá theo quyết định 2327 ngày 12-5.
Nhưng vào những tháng cuối năm, khi ngân sách thành phố giao sử dụng chưa hết, Sở GTVT phân bổ thêm cho các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến mới được đầu tư phương tiện, tuyến đi qua điểm ùn tắc…
Qua đối chiếu, các quyết định điều chỉnh đã tăng mức trợ giá/chuyến xe và ngân sách phải gánh thêm so với lúc ký hợp đồng chính thức trên 60 tỉ đồng (chưa tính chi phí biến động nhiên liệu).
Theo các chuyên gia vận tải công cộng, căn cứ quyết định 1914 của UBND TP.HCM về quy định đấu thầu, đặt hàng, việc điều chỉnh giá trị đặt hàng chỉ được thực hiện khi Nhà nước có thay đổi cơ chế chính sách về định mức kinh tế kỹ thuật (đơn giá, ca máy, tiền lương và giá vé xe buýt…). Việc điều chỉnh giá trị hợp đồng chỉ được phép khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh.
Năm qua, UBND TP.HCM không thay đổi đơn giá chi phí (vẫn tính theo quyết định 23/2012), chưa thay đổi phương pháp trợ giá và không thay đổi giá vé xe buýt.
Ngoài ra, các quyết định điều chỉnh hợp đồng đã cập nhật thay đổi biểu đồ giờ, cự ly và giảm hơn 181.000 chuyến so với lúc ký đặt hàng, dẫn đến tổng chi phí giảm.
Tổng chi phí giảm nhưng mức trợ giá lại được tăng trên 60 tỉ đồng là bất hợp lý (bởi theo công thức tính trợ giá, chi phí giảm thì trợ giá giảm theo).
Loại phà ra khỏi báo cáo “đẹp” về khách xe buýt
Về vấn đề đưa số liệu khách đi phà vào sản lượng hành khách xe buýt với ước tính 9 tháng đầu năm 27,6 triệu lượt nhằm có báo cáo “đẹp” rằng khách đi xe buýt tăng, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết: “Đúng là không nên đưa số liệu phà vào lượng hành khách đi xe buýt bởi phà không phải phương tiện thay thế xe cá nhân, chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở GTVT đánh giá hiệu quả công tác trợ giá xe buýt thời gian qua để từ đó đưa ra phương án phù hợp, khẩn trương phối hợp với sở ngành trình khoản kinh phí xin thêm cho xe buýt trước ngày 15-11.
Sở GTVT cũng đã chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát, khi được thêm kinh phí sẽ duyệt bổ sung, đảm bảo công khai, minh bạch trên từng tuyến xe buýt.
Hiệu quả có như mong đợi?
Trong báo cáo gửi sở, ban ngành TP.HCM, Sở GTVT nêu khoản kinh phí dự phòng chỉ được sử dụng khi có biến động nhiên liệu, bổ sung tuyến mới.
Nhưng theo tìm hiểu, trong năm qua, sở đã ký quyết định giao dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt 876 tỉ đồng, giữ lại 124 tỉ đồng làm kinh phí dự phòng.
Qua các lần điều chỉnh dự toán, sở này sử dụng gần hết tiền dự phòng, còn dư cho ngân sách 6,5 tỉ.
Trong khi biến động nhiên liệu tính đến cuối năm chỉ tăng hơn 72 tỉ đồng và không mở tuyến mới, nên chưa rõ khoản dự phòng được phân bổ vào các tuyến xe buýt nào?
Năm 2017, lượng khách đi xe buýt trợ giá đạt 223 triệu lượt, bằng 91% so với kế hoạch, nhưng số tiền ngân sách giao đã được phân bổ gần hết.
Nhìn sang các tuyến xe buýt không trợ giá, dù không được “nuôi” bằng “bầu sữa” ngân sách lại có chỉ số tăng trưởng vượt kế hoạch. Liệu ngân sách TP cấp ngàn tỉ đồng mỗi năm trợ giá xe buýt có hiệu quả như mong đợi?