24/11/2024

Phát hiện khảo cổ quan trọng ở vườn Ghếtsêmani thời Chúa Giêsu

Phát hiện khảo cổ quan trọng ở vườn Ghếtsêmani thời Chúa Giêsu

Một nhà tắm dùng cho nghi lễ thời Chúa Giêsu và một số di tích khác của Kitô giáo từ thời Thập tự chinh và Byzantine đã được phát hiện gần vườn Ghếtsêmani.

Sáng thứ Hai 21/12, tại Giêrusalem, đã diễn ra một buổi họp báo công bố phát hiện quan trọng này. Cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, cho nói: “Nhà tắm dùng cho nghi lễ nằm trong một khu vườn nhỏ, ngay bên ngoài thành phố cổ Giêrusalem, dưới chân Núi Ôliu, nơi Chúa Giêsu đến cầu nguyện sau Bữa Tiệc Ly, trước khi bị Giuđa phản bội và bị bắt. Đây là nơi qua nhiều thế kỷ đã trở thành điểm hành hương. Tại đây có một nhà thờ có nguồn gốc từ thời Byzantine được kiến trúc sư Barluzzi xây dựng khoảng những năm 20 của thế kỷ trước với sự đóng góp quốc tế, vì thế nhà thờ được mang tên Nhà thờ mọi Dân tộc.”

Nhằm đảm bảo an toàn cho khách hành hương đến viếng thăm, các vị hữu trách đã quyết định làm một đường hầm tại khu vực này. Và trong lúc công trình được thực hiện, mọi người đã phát hiện tại lối ra của phòng trưng bày, xuất hiện một loạt phòng được sát nhập vào Nhà thờ Chúa Hấp Hối, có từ thời các cuộc Thập tự chinh. Đáng chú ý hơn nữa, khi đi được nửa đường hầm, các chuyên viên khảo cổ đã phát hiện ra một nhà tắm dùng trong nghi lễ của người Do Thái được đào vào trong đá, của thế kỷ I sau Công nguyên.

Cha Eugenio Alliata, giáo sư của Phân khoa Kinh Thánh và Khảo cổ học Franciscanum, nói với Vatican News: Tại Ghếtsêmani, từ trước đến nay chưa bao giờ tìm thấy một thứ có từ thời Chúa Giêsu. Đây chính là các phòng tắm dùng cho nghi lễ của người Do Thái rất đặc trưng: chúng có một loạt các bậc dẫn đến một bồn nước cạn.

Cha Alliata giải thích rằng, trong tiếng Aram, từ Ghếtsêmani có nghĩa là nơi để làm dầu. Trong quá trình làm dầu hoặc rượu, một người Do Thái nếu muốn dầu được tinh khiết theo luật thì phải chuẩn bị tinh thần bằng nghi thức tắm trong bồn đặc biệt. Và đây chính là khu vực tắm dành cho nghi lễ của người Do Thái xưa. (CSR_9473_2020)

Ngọc Yến