Bao bì tự phân huỷ làm từ xơ dừa
Bao bì tự phân huỷ làm từ xơ dừa
Hai cô gái xinh đẹp đã thể hiện sự sáng tạo của mình qua việc chế tạo thành công loại bao bì tự phân huỷ từ xơ dừa.
Đó là Nguyễn Kim Ngân và Nguyễn Thị Thúy Kiều, Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Hai nữ sinh này đã tận dụng tối đa thời gian để đến Bến Tre, nơi được xem là thủ phủ dừa để mua xơ dừa.
Sau đó, xơ dừa được tiền xử lý thông qua quá trình tẩy trắng bằng dung dịch NaClO2, và loại bỏ thành phần lignin và hemicellulose bằng dung dịch KOH để thu được sợi cellulose. “Sợi cellulose sẽ được nghiền, phối trộn với tinh bột biến tính và glycerol để tăng cường tính chất cơ lý cho vật liệu, hỗn hợp sau phối trộn được ép định hình bao bì và đem sấy ở 600C trong 24 giờ. Sau quá trình sấy, bao bì được phủ màng paraffin mỏng để tăng tính chống thấm nước”, Thúy Kiều kể về những công đoạn chế tạo.
Và rồi, chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản như: xơ dừa, tinh bột biến tính 1403, và glycerol nhưng qua nghiên cứu của Kim Ngân và Thúy Kiều đã cho ra đời sản phẩm ý nghĩa.
Kim Ngân chia sẻ các vật liệu chứa đựng thực phẩm được tạo ra bằng phương pháp ép định hình, tráng một lớp paraffin để tăng cường độ cứng và khả năng chống thấm nước.
“Sản phẩm bao bì thu được đánh giá cảm quan cho thấy không có sự khác biệt về mùi vị của nước uống khi chứa đựng trong bao bì. Bao bì bị phân hủy thành các mảnh nhỏ sau 25 ngày chôn lấp…”, Kim Ngân khoe về thành quả đạt được.
Ngoài ra, sản phẩm do hai cô gái này chế tạo ra có nhiều điểm cộng so với những loại bao bì trên thị trường. Cụ thể là thời gian sử dụng được so sánh với bao bì từ bã mía có sẵn trên thị trường, cho thấy khả năng chống thấm nước của bao bì mà hai nữ sinh nghiên cứu và bao bì có trên thị trường là tương tự nhau.
Kim Ngân chia sẻ do những tác động tiêu cực đến môi trường của nhựa tổng hợp mà ngày nay việc phát triển các vật liệu phân hủy sinh học cho các ứng dụng công nghiệp và thương mại rất cần thiết. Vật liệu từ xơ dừa rất có triển vọng để tạo ra các loại bao bì có thể phân hủy sinh học với các đặc tính vật lý thích hợp cho những ứng dụng thực phẩm khi tiếp xúc trực tiếp.
“Vấn đề khai thác và ứng dụng xơ dừa như cách chúng mình đang thực hiện có thể sẽ là một chìa khóa để mở ra loại vật liệu mới trong tương lai gần, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống”, Kim Ngân nói thêm.
Cũng theo nữ sinh này, để nâng cao chất lượng vật liệu bao bì sử dụng một lần có khả năng tự phân hủy từ xơ dừa, cần sử dụng các khuôn ép chống dính, máy hay thiết bị ép định hình thủy lực để tạo hình sản phẩm dễ và nhanh chóng, đẹp hơn.
LÊ THANH
TNO