ĐHY Pell cầu nguyện đặc biệt cho các tù nhân vào dịp Giáng Sinh
Trong một chia sẻ gần đây, Đức Hồng y George Pell cho biết dịp Giáng Sinh năm nay, ngài cầu nguyện đặc biệt cho các tù nhân và xin mọi người cũng cầu nguyện cho họ để họ luôn sống niềm hy vọng.
Đức Hồng y nói: “404 ngày ở trong tù, tôi không được cử hành Thánh lễ. Về việc rước lễ, một tuần tôi chỉ được rước một lần do một nữ tu phụ trách tuyên uý nhà tù trao. Trong ngày Giáng Sinh, tôi không được rước lễ, nhưng tôi có thể chúc mừng Giáng Sinh cho một số lính canh.” Ngài nói thêm: “Trong ngày đó, tôi đọc sách và xem chương trình Giáng Sinh trên ti vi, nhưng tôi không thể nghe và nhìn thấy hai ca đoàn, trong đó có một nhóm người Việt Nam, những người ủng hộ tôi hát những bài thánh ca Giáng Sinh mà tất cả chúng ta đều yêu thích. Tôi không chắc là những người khác hoặc một tù nhân nào có thể nghe họ hát, nỗi cay đắng tăng gấp đôi.”
Tiếp đến, Đức Hồng y chia sẻ, nối kết với sự tự do ngài đang được hưởng ở Roma đồng thời bày tỏ nỗi buồn khi thấy Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng vào dịp Giáng Sinh do số tín hữu hành hương ít. Ngài nói: “Giáng Sinh này, tôi nghĩ cách đặc biệt đến những người đang ở trong tù, bị tách khỏi những người thân. Họ đang ở trong tù vì một hình phạt chính đáng, hoặc bị bỏ tù vì đã đấu tranh cho tự do, hoặc vì bách hại tôn giáo. Ngay cả trong những hệ thống tốt nhất, vẫn có những tù nhân vô tội trong tù; và nơi hệ thống bị thối nát, hoặc ở nơi có hệ thống đàn áp hoặc bách hại, có rất nhiều tù nhân vô tội đang phải đau khổ. Trong những ngày này, khi chúng ta cầu nguyện cho hoà bình trên trái đất cho những người có thiện chí, trước hết, chúng ta phải cầu nguyện cho họ, các tù nhân.”
“Kitô giáo đã có mặt mạnh mẽ trong thế giới phương Tây. Nhưng Kitô giáo không phải là một tôn giáo phương Tây, không chỉ vì Trung Đông và toàn bộ Bắc Phi đã từng là Kitô giáo, mà vì Kitô giáo được sinh ra ở phương Đông, hoặc ít nhất là ở Trung Đông, quê hương của người Do Thái. Vì điều này, Kitô hữu chúng ta có lòng tôn kính đối với Chúa của Ápraham, Isaác, Giacóp và Môsê, cũng là Cha của Hài Nhi Giêsu, Chúa chúng ta. Khi nhìn về quá khứ và thấy được sự phát triển tuyệt vời này với hy vọng, tất cả chúng ta đều được Lễ Giáng Sinh nuôi dưỡng. Chúa Giêsu được các mục đồng gần đó chào đón, Người cũng được những người tìm kiếm sự thật, các nhà chiêm tinh và triết học, các đạo sĩ, có lẽ từ Iran chào đón, bởi vì Người đã cho chúng ta một lối sống không chỉ là lý thuyết, mà chỉ những người học thức nhất mới có thể tiếp cận được.”
Đức Hồng y kết luận: “Lễ Giáng Sinh là ngày lễ của niềm hy vọng cho tất cả chúng ta, với Con Thiên Chúa mới sinh, Đấng đã cho chúng ta thấy lần sau cùng, khi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp, trên thiên đàng, nơi không có nhà tù, không có tù nhân, không có Covid.”