LHQ kêu gọi tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp về khí hậu’, cấp thiết như chống COVID-19
LHQ kêu gọi tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp về khí hậu’, cấp thiết như chống COVID-19
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thúc giục lãnh đạo các quốc gia tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp về khí hậu’, nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một mối đe dọa có thật.
“Tôi khẩn thiết đề nghị lãnh đạo các nước tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu cho tới khi chúng ta đạt được mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon”, người đứng đầu LHQ nêu thông điệp.
Lời kêu gọi được ông Guterres đưa ra trong một hội nghị kỷ niệm 5 năm ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Kể từ đó, nhân loại đã chứng kiến những tác động ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, từ cháy rừng ở Úc và California (Mỹ) đến việc sụp đổ các thềm băng ở hai cực.
Theo Hãng tin Reuters, điều này đã buộc lãnh đạo nhiều nước phải lắng nghe các ý kiến từ giới khoa học và điều chỉnh chính sách phát triển. Tuy nhiên, khi mọi thứ chỉ mới khởi đầu, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và khiến các quốc gia quên mất mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Để nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế, các quốc gia đã đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, theo tổng thư ký LHQ, vấn đề nằm ở chỗ các nước đang chi quá nhiều cho những lĩnh vực sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch và có thể tái tạo.
“Điều này không thể chấp nhận được”, ông Guterres nêu quan điểm đồng thời cho rằng số tiền hàng ngàn tỉ USD mà các nước dành ra để hồi phục kinh tế sẽ khiến thế hệ tương lai chịu hậu quả.
Người đứng đầu LHQ kế đó chứng minh bằng các con số: các nước trong G20 – nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới – đã chi nhiều hơn 50% cho các lĩnh vực kích thích sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch.
Một số quốc gia đã đưa ra các cam kết giảm phát thải CO2 trong hội nghị ngày 12-12. Chính phủ Anh cam kết sẽ ngừng hỗ trợ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Nhật và Hàn Quốc tiếp tục cam kết đưa mức phát thải CO2 về 0 trước năm 2050 nhưng thiếu các cam kết cụ thể như không sử dụng nhiệt điện.
Trung Quốc đã gây nhiều bất ngờ với tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 rồi. Nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc khi đó cam kết sẽ giảm mức phát thải khí CO2 về 0 vào năm 2060.
Trung Quốc hiện là nước phát thải CO2 nhiều nhất thế giới. CO2 là loại khí được xem là thủ phạm chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu dẫn tới biến đổi khí hậu.