23/11/2024

Ngày càng có nhiều tín hữu Thuỵ Sĩ rời bỏ Giáo hội

Ngày càng có nhiều tín hữu Thuỵ Sĩ rời bỏ Giáo hội

Một đan viện ở Thuỵ Sĩ

Chưa bao giờ có nhiều tín hữu rời bỏ Giáo hội như trong giai đoạn này. Các Giám mục cho rằng đây là “một xu hướng đáng lo ngại. Đại dịch sẽ đẩy nhanh tình trạng này”.

Hôm thứ Ba 01/12, tại Đại hội toàn thể trực tuyến, các Giám mục Thuỵ Sĩ đã thảo luận về tình hình của Giáo hội dựa theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Xã hội học Mục vụ Thuỵ Sĩ (SPI, Viện có trụ sở ở Saint-Gall). Theo đó, chưa bao giờ ở Thuỵ Sĩ lại có nhiều người rời bỏ Giáo hội Công giáo như trong năm 2019. Số liệu thống kê năm ngoái cho thấy 31.772 trường hợp rời bỏ và tăng gần 25% so với năm 2018, với 25.366 trường hợp.

Các giám mục cho rằng đại dịch có thể đẩy nhanh hơn nữa sự gia tăng này trong những tháng tới. Xu hướng này là đáng lo ngại và sẽ dẫn đến những thay đổi trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, các Giám mục xác tín rằng Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô, không chỉ là các số liệu và sự việc. Thách đố của Giáo hội là cần phải bắt đầu một “sứ vụ loan báo Tin Mừng”.

Viện Xã hội học Mục vụ cho biết, tỷ lệ rời khỏi Giáo hội trung bình là 1,1%, nhưng sự khác biệt giữa các vùng là đáng kể. Các bang Geneva, Valais, Neuchâtel và Vaud có rất ít trường hợp ra đi, điều này có thể được giải thích bởi cách thu thuế Giáo hội khác nhau ở các bang. Tại các bang nói tiếng Pháp này, việc rời bỏ Giáo hội không liên quan đến thuế.

Báo cáo cho thấy có nhiều lý do khiến các tín hữu rời bỏ Giáo hội. “Quan trọng nhất” là mất hoặc không có đức tin, bất đồng với các quan điểm của cộng đoàn Giáo hội, lạm dụng tính dục. Trong những năm gần đây đã có một làn sóng rời bỏ lớn thứ hai. Các báo cáo về lạm dụng đã làm lung lay lòng tin đối với Giáo hội Công giáo. Ngoài ra, luân lý tính dục Công giáo, việc những người ly hôn và tái hôn được rước lễ hay vị trí của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo đều là những vấn đề trở thành chủ đề tranh luận của công chúng và khiến số người rời bỏ tăng mạnh.

Điều khiến Viện Xã hội học Mục vụ lo lắng là sự gia tăng số người xa rời Giáo hội ở những người lớn tuổi, những người từ 51 đến 60 tuổi, đây là hiện tượng “đáng báo động”.

Về sự khác biệt giữa các nhóm tuổi, Báo cáo lưu ý rằng trong khi những người trẻ nói rằng họ chưa bao giờ có đức tin hoặc mất đức tin, thì những người trong độ tuổi từ 40 đến 75 có nhiều khả năng không đồng ý với các quan điểm của cộng đoàn.

Báo cáo cũng cho thấy vào năm 2019, có 885 người xin gia nhập Giáo hội Công giáo. Một tỷ lệ quá thấp để “khắc phục” những người rời bỏ, vì đối với 34 người rời bỏ chỉ có một người gia nhập.

Cuối cùng, Viện Xã hội học Mục vụ xác định rằng vấn đề rời bỏ Giáo hội không chỉ liên quan đến Giáo hội Công giáo. Ngay cả trong Giáo hội Tin Lành, vào năm 2019, 26.198 người đã rời bỏ Giáo hội, tăng hơn 18% so với năm trước.

Trước xu hướng rời bỏ Giáo hội của các tín hữu ngày càng tăng, Hội đồng Giám mục mời gọi các tín hữu: Giáo hội được kêu gọi thực hiện “nỗ lực lấy lại uy tín và tiếng tốt đã bị tổn hại” và “trở thành người bạn đồng hành trung thành và đáng tin cậy cho đời sống của các tín hữu”. Để làm điều này, các giáo xứ được kêu gọi “xem xét và điều chỉnh lại các ưu tiên mục vụ”, cũng như mở rộng các đề xuất cho các cặp vợ chồng không con cái, độc thân và những người đã mất người bạn đời. (Sir. 02/11/2020)

Ngọc Yến