23/12/2024

ĐTC cầu nguyện và kêu gọi chấm dứt bạo lực ở khu vực Tigray của Ethiopia

ĐTC cầu nguyện và kêu gọi chấm dứt bạo lực ở khu vực Tigray của Ethiopia

Người tị nạn Ethiopia ở Sudan (AFP or licensors)
Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Sáu, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại về tình hình ở vùng Tigray của Ethiopia và khu vực xung quanh.

Ông Matteo Bruni cho biết: Trong thời gian qua, Đức Thánh Cha luôn quan tâm theo dõi, cầu nguyện và hôm nay đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ hướng đến các bên xung đột, để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, nhằm đạt được hoà bình ở khu vực miền bắc Ethiopia.

Từ đầu tháng nay, quân đội và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, đảng cầm quyền trong khu vực luôn ở trong thế đối đầu. Toàn bộ khu vực Sừng châu Phi đang bị đe doạ và đã có hàng trăm nạn nhân và hơn 40.000 người phải di dời đến nước láng giềng Sudan.

Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh khẳng định: “Đức Thánh Cha đang theo dõi tin tức đến từ Ethiopia, nơi một cuộc đụng độ quân sự đang diễn ra trong những tuần qua, làm ảnh hưởng đến khu vực Tigray và các khu vực lân cận. Vì bạo lực, hàng trăm dân thường đã chết và hàng chục ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa để tới Sudan.”

Ông Matteo Bruni nhắc lại: “Vào trưa Chúa Nhật 08/11, tại buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu, khi đề cập đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ethiopia, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các bên phải biết từ chối cám dỗ của một cuộc đối đầu vũ trang, và mời mọi người cầu nguyện và tôn trọng tình huynh đệ, sẵn sàng đối thoại. Khi mời gọi mọi người cầu nguyện cho đất nước này, Đức Thánh Cha kêu gọi các bên trong cuộc xung đột chấm dứt bạo lực, bảo vệ cuộc sống, đặc biệt của thường dân, và dân chúng có thể tìm lại được hoà bình.”

Hy vọng và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha đến vào thời điểm nguy kịch của khu vực: Không có khả năng đối thoại với các nhà lãnh đạo của khu vực Tigray, đó là điều mà Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã nhắc lại trong thời gian gần đây, tại một cuộc họp với các đặc phái viên của Liên minh Châu Phi, đến Ethiopia để làm trung gian hoà giải và tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong ba tuần xung đột đã có hàng trăm người chết và khoảng 40.000 người phải di tản đến Sudan, nơi không có nguồn lực đáp ứng.

Ngọc Yến