23/11/2024

Chuyên gia Trung Quốc nói ‘virus corona có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhảy từ vật sang người’

Chuyên gia Trung Quốc nói ‘virus corona có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhảy từ vật sang người’

Nhiều nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học Trung Quốc chỉ tập trung vào một khẳng định: Vũ Hán không phải là nơi khởi phát đại dịch COVID-19. Một trong số này ám chỉ việc lây nhiễm từ người sang người xảy ra đầu tiên ở Ấn Độ.

 

Chuyên gia Trung Quốc nói virus corona có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhảy từ vật sang người - Ảnh 1.

Bà Thạch Chính Lệ, một trong các nhà khoa học nghiên cứu về virus corona, trong trang phục bảo hộ ở Phòng thí nghiệm Vũ Hán. Đã có giai đoạn phòng thí nghiệm sinh học cấp 4 này bị đồn là nơi làm rò rỉ virus SARS-CoV-2 gây đại dịch toàn cầu – Ảnh chụp màn hình SCMP

Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắn tiếng sẽ bắt đầu cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), một loạt các báo cáo và nghiên cứu “khoa học” đã xuất hiện. Cho đến nay, câu hỏi lớn nhất vẫn xoay quanh nguồn gốc của loại virus đã cướp đi hơn 1,4 triệu mạng người trên toàn cầu.

Thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc được xem là nơi đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của virus. Tuy nhiên, theo lập luận của chính quyền Bắc Kinh, không phải cứ là nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh thì nguồn gốc của loại virus gây bệnh cũng ở đó.

Luận điểm này đang nhận được sự ủng hộ của cộng đồng học giả Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc dẫn dắt đều đi tới cùng một kết luận: không thể khẳng định SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán.

Nguồn gốc từ Ấn Độ?

Một số nghiên cứu khác do các nhà khoa học nước ngoài tiến hành dưới sự phối hợp với các đồng nghiệp Trung Quốc lại dẫn tới một khẳng định khác: virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới trước khi người ta phát hiện nó ở Vũ Hán.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Molecular Phylogenetics and Evolution của Mỹ ngày 24-11, tiến sĩ Shen Libing thuộc Viện khoa học sinh học Thượng Hải (Trung Quốc) nêu ra một giả thuyết mới: các trường hợp lây nhiễm COVID-19 từ người sang người đầu tiên không phải ở Vũ Hán mà ở tiểu lục địa Ấn Độ.

Dựa trên việc nghiên cứu các chuỗi lây nhiễm ở 17 quốc gia và khu vực, nhóm nghiên cứu cho rằng dịch bệnh có thể bùng phát đầu tiên ở Ấn Độ hoặc Bangladesh nhưng không được ghi nhận.

Tiểu lục địa Ấn Độ nằm ở khu vực phía nam châu Á, bao gồm các nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Bhutan, Nepal… Trong đó Ấn Độ là nước đông dân nhất với gần 1,39 tỉ người, chỉ xếp sau Trung Quốc về số dân trên thế giới.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm nay. Các vụ đụng độ nghiêm trọng nhất trong vài thập niên qua đã xảy ra ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.

Chuyên gia Trung Quốc nói virus corona có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhảy từ vật sang người - Ảnh 3.

Người dân Ấn Độ lấy nước từ một lòng hồ cạn khô ở bang Chennai tháng 6-2019 – Ảnh: REUTERS

“Hạn hán khiến virus nhảy từ vật sang người”

Theo báo South China Morning Post (SCMP), nghiên cứu của ông Shen hiện vẫn ở giai đoạn chờ bình duyệt của các chuyên gia, nhà khoa học khác. Tiến sĩ Shen khẳng định cách tiếp cận truyền thống như hiện nay không thể giúp tìm ra nguồn gốc thực sự của virus.

Phương pháp “truyền thống” mà ông Shen nhắc tới, theo SCMP, là “nghiên cứu phát sinh chủng loại”. Trong đó, các nhà khoa học dựa trên virus họ corona được phát hiện trên dơi ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc để xem xét quá trình biến đổi, từ đó truy ra nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, theo ông Shen, virus corona trên dơi không phải là “tổ tiên” trực tiếp của SARS-CoV-2 hiện nay nên nếu đi theo lối mòn sẽ không thể tìm ra được nguồn gốc thực sự.

Phương pháp được nhóm nghiên cứu này sử dụng là đếm số biến thể mới của SARS-CoV-2 để xác định virus đã xuất hiện tại đó sớm hay muộn. Họ tin rằng càng phát hiện được nhiều biến thể của SARS-CoV-2 càng cho thấy virus đã ở đó một thời gian dài, tồn tại, lây lan và biến đổi.

“Không khu vực nào có sự đột biến của SARS-CoV-2 nhiều như Ấn Độ và Bangladesh”, nhóm này kết luận.

Để củng cố thêm giả thuyết, tiến sĩ Shen còn dẫn ra thời tiết cực đoan. Theo đó, đợt hạn hán kéo dài vào tháng 5-2019 đã khiến động vật hoang dã và con người ở tiểu lục địa Ấn Độ tìm đến cùng nguồn nước. “Điều này có thể đã tạo điều kiện cho virus nhảy từ động vật sang người”.

Nghiên cứu của nhóm ông Shen đã vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học. Giáo sư Marc Suchard (Mỹ) tỏ ra nghi ngờ về phương pháp nghiên cứu cũng như số liệu và phần mềm được sử dụng của nhóm ông Shen.

Mukesh Thakur, một nhà virus học thuộc Chính phủ Ấn Độ, thì thẳng thừng bác bỏ và cho rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai lệch các sự kiện.

Với tiềm lực tài chính ngày càng tăng, Trung Quốc đã đổ tiền cho các nghiên cứu khoa học nêu ra những thông tin, kết luận có lợi cho nước này.

Không chỉ riêng về nguồn gốc SARS-CoV-2, các học giả Trung Quốc trong thời gian qua còn công bố nhiều nghiên cứu và bài viết có nội dung bảo vệ, tuyên truyền quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.

Ngoài lực lượng học giả Trung Quốc còn xuất hiện một nhóm nhỏ hơn các học giả nước ngoài chuyên phản biện và viết bài bảo vệ chính quyền Bắc Kinh.

 

BẢO DUY

TTO