ĐBSCL cần một bản ‘quy hoạch tốt’
ĐBSCL cần một bản ‘quy hoạch tốt’
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng không nên xây dựng một bản quy hoạch vùng ĐBSCL hoàn hảo mà chỉ nên là “quy hoạch tốt”, không nên chỉ là một tập hợp danh sách mong muốn của các ngành, các địa phương.
Ngày 26-11, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch – đầu tư đã tổ chức hội nghị tham vấn lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL và chuyên gia về quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mở đầu buổi tham vấn, bà Carolyn Turk – giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN – cho rằng Chính phủ VN không nên đưa ra một bản quy hoạch quá hoàn hảo mà chỉ cần một bản quy hoạch “tốt”, theo nghĩa thích ứng mọi hoàn cảnh mà theo đó có thể có sự đóng góp hiệu quả cũng như được điều chỉnh, sửa đổi, cập nhật liên tục.
Bà Carolyn Turk nhấn mạnh bản quy hoạch này không nên là một tập hợp những mong muốn của các ngành, các địa phương trong vùng mà phải có tính chiến lược, khả thi, chú ý lợi thế so sánh giữa các tiểu vùng ở ĐBSCL vì mỗi tiểu vùng đều có đặc điểm sinh thái, thủy văn, thiên nhiên ưu đãi khác nhau, chẳng hạn vùng thượng lưu sông Mekong thì có lợi thế phát triển nông nghiệp mùa lũ, còn vùng duyên hải thì phát triển kinh tế nước lợ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị thảo luận 3 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với quy hoạch vùng ĐBSCL.
Thứ nhất, nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ 2, định vị vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mekong.
Thứ ba, sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành, lĩnh vực có thế mạnh của vùng; định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của vùng; việc xử lý các xung đột, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
“Bộ Kế hoạch – đầu tư mong muốn xây dựng bản quy hoạch có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác.
Mặt khác, quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở để triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị”, ông Dũng khẳng định.
Được biết, đây là lần tham vấn cuối cùng trước khi Bộ Kế hoạch – đầu tư hoàn chỉnh, trình Chính phủ.