Tìm đâu bà chủ quán cơm Sài Gòn 6 năm nuôi sinh viên ăn ở miễn phí?
Tìm đâu bà chủ quán cơm Sài Gòn 6 năm nuôi sinh viên ăn ở miễn phí?
Bà chủ quán cơm Sài Gòn 6 năm nuôi sinh viên ăn ở miễn phí gây xúc động mạnh trên mạng xã hội.
Câu chuyện bà Dương Thị Kim Dung (66 tuổi) có căn nhà rộng cao tầng ở Q.3, TP.HCM nhưng không ngăn phòng cho thuê mà dùng 2 tầng để bán cơm giữa Sài Gòn, rồi lấy thu nhập đó nuôi sinh viên ăn ở miễn phí suốt 6 năm qua gây xúc động mạnh trên mạng xã hội.
Nhiều người “thả tim” cho bà và mong cuộc sống sẽ có thêm nhiều “bà tiên” tốt bụng như vậy. Bà Dung đã cưu mang, cho ăn ở miễn phí nhiều cô cậu học trò nghèo không có tiền học nghề, đại học. Nhiều người đã tự lập, có công việc nuôi gia đình, vẫn thường quay lại thăm và gọi hai tiếng “má Dung” thân thuộc.
Món quà vô giá
Ngược dòng ký ức, bà Dung kể, năm 2014, trong một chuyến đi phát học bổng Nguyễn Hữu Thọ ở Củ Chi, bà được Chủ tịch xã Phạm Văn Cội giới thiệu hoàn cảnh của Loan và Tuyết Anh.
“Chủ tịch xã nói với tôi, hai em này làm rạng danh cho Củ Chi, cả hai đậu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhưng nhà hai bạn đều khó khăn, cha mẹ đi vắt sữa bò thuê, vậy thì làm sao mà dám mơ cho con lên TP, thuê nhà thuê cửa mà đi học”, bà nhớ lại.
Nghe vậy, bà hứa sẽ giúp rồi đưa cả hai về nhà mình, cho ở chung một phòng. Cảm nhận và đền đáp lại sự đùm bọc của một người xa lạ với lòng bao dung, cả hai đều rất ngoan, ngoài giờ học thường phụ bà bán cơm và được trả công 150.000 đồng/buổi để có tiền trang trải chi tiêu.
|
“Loan đã ra trường, làm điều dưỡng ở Bệnh viện Nhi đồng TP, Tuyết Anh đang học năm cuối nhưng vì học, làm ở Bình Chánh nên hai đứa xin phép tôi ra ngoài ở trọ cho tiện. Tôi mừng lắm vì hai cháu đã chín chắn, không còn sợ sệt như ngày đầu bước chân vào trung tâm TP tấp nập.
Ngày tết, các em mang đến nhà 3 bịch sữa khiến cả nhà tôi xúc động vô cùng, đó là những món quà vô giá mà tôi nhận được”, bà Dung hạnh phúc nói.
Bao ăn ở, còn trả công phụ quán
Hai mươi năm trước, bà Dung bắt đầu gắn với hoạt động đi trao nhà tình thương, xây cầu, chia sẻ những mảnh đời bất hạnh. Trong một lần tới chùa nuôi trẻ mồ côi ở Long An, được nghe câu chuyện các em sẽ phải ra đời khi đủ 18 tuổi khiến bà day dứt mãi.
Không cần suy nghĩ, bà Dung đề xuất sư thầy trụ trì chọn ra 4 em vừa học xong lớp 12 để bà đưa về nhà, ngăn phòng rồi hướng nghiệp cho các em. 4 em đầu tiên mà bà Dung nuôi đi theo các ngành: thợ điện lạnh, lái xe và nấu bếp. Ngoài thời gian học, tất cả xuống phụ bưng bê, phục vụ quán cơm. “Mỗi buổi các cháu phụ tầm 2 – 3 giờ tôi trả cho các cháu 150.000 đồng để động viên tinh thần, các cháu có đồng tiền cá nhân, tiêu xài không phải xin ai nữa”, bà kể.
Chuyện cổ tích thế cứ tiếp diễn đến 5 – 6 năm sau, mọi người lần lượt ra nghề, có công việc với thu nhập ổn định thì xin ra ngoài ở để nhường suất cho những sinh viên khó khăn khác.
Anh Nguyễn Ngọc Lộc (24 tuổi, cựu sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, người từng được bà Dung nuôi) bộc bạch: “Nhà cô Dung như một đại gia đình, đầy đủ tiện nghi, sướng hơn ở ngoài nhiều. Mọi người trong nhà đều hòa đồng, dễ thương. Cô chú lo cho mỗi người từng chút một. Không chỉ được ăn ở miễn phí, tôi còn được trả công mỗi lần phụ cô phục vụ quán cơm. Đó cũng là nguồn tiền để tôi đóng học phí và các chi tiêu cá nhân khác”.
Anh Lộc ra trường, đang làm thợ sửa điện lạnh cho một cửa hàng ở Đắk Nông và vẫn giữ liên lạc với đại gia đình “má Dung”.
|
Không chỉ nuôi sinh viên Việt, bà Dung còn đang nuôi 2 sinh viên người Lào theo chương trình “Sinh viên Lào với gia đình Việt”. Theo kế hoạch, gia đình bà chủ quán cơm Sài Gòn chỉ nuôi 3 tháng, nhưng vì càng ở càng gắn kết như người trong nhà nên bà Dung tình nguyện nuôi đến hết 6 năm đại học. Phrathepsouvanh Thipphakone (22 tuổi, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ: “Cô Dung là người chỉ cho em nhiều điểm khác biệt trong bữa ăn giữa người Lào với người Việt, dạy cho em cách cư xử, tăng cường vốn tiếng Việt. Được cô đồng ý nuôi 6 năm em rất vui vì được cô xem như người trong gia đình”.
VŨ PHƯỢNG
TNO