24/11/2024

Vắc xin Sputnik-V của Nga hiệu quả nhỉnh hơn vắc xin Mỹ-Đức?

Vắc xin Sputnik-V của Nga hiệu quả nhỉnh hơn vắc xin Mỹ-Đức?

Tương tự vắc xin Mỹ-Đức, hiệu quả 92% của vắc xin Nga chỉ mới là kết quả ban đầu. Tuy cách phân nhóm thử nghiệm giống nhau nhưng công nghệ phát triển vắc xin của Nga có khác.

 

 

 

Vắc xin Sputnik-V của Nga hiệu quả nhỉnh hơn vắc xin Mỹ-Đức? - Ảnh 1.

Chuẩn bị tiêm vắc xin Sputnik V cho người tình nguyện trong bệnh viện ở Matxcơva ngày 10-9 – Ảnh: AFP

Hai ngày sau khi Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo vắc xin ngừa COVID-19 BNT162b2 do Pfizer hợp tác với Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) phát triển đạt hiệu quả 90%, đến lượt Nga công bố thông tin về vắc xin Sputnik-V.

Hôm 11-11, Viện Dịch tễ học và vi sinh Gamaleya và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo: “Kết quả phân tích thống kê về 20 ca nhiễm COVID-19 trong nhóm được tiêm chủng và nhóm nhận giả dược cho thấy tỉ lệ hiệu quả của vắc xin Sputnik-V sau liều thứ hai đạt 92%”.

Tiếp tục theo dõi 6 tháng nữa

Tương tự con số 90% đạt hiệu quả của vắc xin BNT162b2, con số 92% của vắc xin Sputnik-V chỉ mới là kết quả ban đầu, chứ dữ liệu nghiên cứu chưa được công bố trên tạp chí y học đã qua bình duyệt (tức chưa được hội đồng các chuyên gia y tế độc lập đánh giá).

Viện Gamaleya cho biết đang tiếp tục theo dõi những người tình nguyện trong sáu tháng nữa, sau đó mới công bố kết quả cuối cùng.

Vắc xin Sputnik-V của Nga bắt đầu vào thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) từ ngày 11-8.

Hơn 16.000 người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin Sputnik-V tại 29 trung tâm y tế Nga trong 21 ngày.

Họ được chia làm hai nhóm. Nhóm đầu được tiêm vắc xin Sputnik-V và nhóm thứ hai được tiêm giả dược.

Đến tháng 9-2020, vắc xin đã cho kết quả. Trong số người tình nguyện nhận được hai mũi tiêm của cả hai nhóm, đã có 20 ca nhiễm COVID-19.

Một số bệnh nhân bộc lộ triệu chứng bệnh cúm trong thời gian ngắn như sốt, mệt mỏi, nhức đầu nhưng không phát hiện hiện tượng bất thường nào ngoài dự kiến.

Trang web gazeta.ru (Nga) dẫn lời TS Alexander Gintsburg – giám đốc Viện Gamaleya – cho biết dự kiến năng lực sản xuất vắc xin Sputnik V sẽ đạt 5-6 triệu liều mỗi tháng.

Nếu trước đây Nga chỉ tiêm thử nghiệm vắc xin Sputnik V cho các y-bác sĩ và giáo viên thì từ tháng 1 đến tháng 2-2021, Nga sẽ khởi động tiêm chủng cho mọi người.

Đến nay đã có hơn 50 quốc gia (Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc…) đặt hàng mua vắc xin Sputnik V của Nga với dự kiến khoảng 1,2 tỉ liều.

Theo thỏa thuận giữa RDIF với một số quốc gia đối tác, khoảng 0,5 tỉ liều sẽ được sản xuất ngoài lãnh thổ Nga.

WHO có thể đưa Sputnik-V vào danh sách sử dụng khẩn cấp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang thảo luận với Viện Gamaleya về khả năng đưa vắc xin Sputnik-V vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Trong một tuyên bố ngày 12-11, WHO cho biết đang liên lạc với Gamaleya bởi viện này từng bày tỏ quan tâm tới việc xin đưa Sputnik-V vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.

Hiện WHO đang chờ nhận được dữ liệu về vắc xin này và sẽ công bố các kết quả rộng rãi nếu sản phẩm được đưa ra đánh giá đáp ứng được những tiêu chuẩn để đưa vào danh sách. WHO sẽ đề nghị các nước thành viên sử dụng Sputnik-V nếu vắc xin này được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Sputnik-V của Nga là vắc xin thứ hai trên thế giới công bố thông tin ban đầu về thử nghiệm ở người giai đoạn cuối. (TÚ ANH)

Vắc xin Sputnik-V của Nga hiệu quả nhỉnh hơn vắc xin Mỹ-Đức? - Ảnh 3.

Viện Dịch tễ học và vi sinh Gamaleya nghiên cứu vắc xin Sputnik-V với nguồn tài trợ từ Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) – Ảnh: RDIF

Vắc xin Nga theo công nghệ vector virus

Theo nghiên cứu công bố ngày 6-11 trên tạp chí y học The Lancet (Anh), vắc xin Sputnik-V của Nga gồm hai thành phần.

Khác với vắc xin BNT162b2 của Pfizer và BioNTech (sử dụng vật liệu di truyền ARN để cung cấp thông tin cho hệ miễn dịch giải pháp tổng hợp các kháng thể), vắc xin Sputnik-V được phát triển theo công nghệ vector virus.

Công nghệ này sử dụng hai adenovirus ở người (dòng virus rất phổ biến thường gây cảm lạnh) đã biến đổi làm vật chủ ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Ý tưởng của các nhà nghiên cứu Nga là tạo ra một loại vắc xin có chứa vật chủ là adenovirus vô hại giữ nhiệm vụ cảnh báo hệ miễn dịch sắp có biến xảy ra.

Họ thay thế vài bộ phận của adenovirus bằng vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2, đồng thời loại bỏ protein mà adenovirus thường sử dụng để nhân lên.

Khi tiêm vắc xin chứa adenovirus đã biến đổi vào cơ thể, adenovirus mang vật liệu di truyền mới (của SARS-CoV-2) xâm nhập tế bào người được tiêm chủng.

Tế bào sẽ tạo một loại protein đặc trưng của virus SARS-CoV-2 nhằm dạy cho hệ miễn dịch nhận biết và ngăn chặn SARS-CoV-2. Adenovirus vô hại vì không còn khả năng nhân lên và lây nhiễm.

Báo Le Monde (Pháp) nhận xét Nga công bố kết quả ban đầu thử nghiệm vắc xin Sputnik-V khi mới ghi nhận 20 ca nhiễm COVID-19 trong hai nhóm và đây là con số không nhiều.

Để so sánh, Pfizer và BioNTech công bố kết quả ban đầu về vắc xin BNT162b2 sau khi có 94 ca nhiễm.

Vắc xin Sputnik-V của Nga hiệu quả nhỉnh hơn vắc xin Mỹ-Đức? - Ảnh 4.

Thử nghiệm vắc xin Sputnik-V ở thành phố Tver (Nga) – Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc tham gia sản xuất Sputnik-V từ tháng 12

Công ty sinh học Hàn Quốc GL Rapha sẽ sản xuất hơn 150 triệu liều vắc xin Sputnik-V mỗi năm để phân phối toàn cầu.

Thông cáo báo chí từ Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết GL Rapha sẽ bắt đầu sản xuất vắc xin Sputnik-V tại Hàn Quốc vào tháng tới.

Thông cáo báo chí được đăng trên mạng cho biết: “Các đối tác dự định bắt đầu sản xuất vào tháng 12-2020 và đưa ra thị trường vào tháng 1-2021. GL Rapha sẽ cung cấp hơn 150 triệu liều vắc xin COVID-19 được sản xuất tại Hàn Quốc mỗi năm để phân phối toàn cầu”.

Đến nay, RDIF cho biết đã nhận được các đơn đặt hàng hơn 1,2 tỉ liều vắc xin Sputnik-V của hơn 50 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc.

Theo tổ chức này, 500 triệu liều có thể được sản xuất bên ngoài Nga theo hợp đồng với các đối tác quốc tế. (TÚ ANH)

HOÀNG DUY LONG
TTO