‘Bụt’ giữa đời thường: Ông cụ ‘bụi đời’
Cụ Tiến kể trong mấy năm đi bụi đời, cụ đã được nhiều người tốt cưu mang. Có gia đình ở Yên Bái nuôi nửa tháng, có cô y tá nấu cháo cho ăn, có những người bạn đã khiêng cụ từ rừng ra viện khi bị sốt…
Khi tôi hỏi về lý do cưu mang trẻ thiệt thòi, cụ Vũ Tiến (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ kể về ‘bí mật’ của đời mình, trước đó, cụ từng giấu vợ suốt 20 năm.
Từng bỏ nhà ra đi
Cụ Tiến kể cụ sinh ra trong gia đình dòng dõi trí thức, bố cụ giỏi giang nhưng lại mất sớm khi cụ mới 7 tuổi. Mẹ cụ là trẻ mồ côi không biết chữ, nên cách dạy con có phần cực đoan. “Hồi học cấp 1, do 7 tuổi mới bắt đầu đi học nên tôi lớn hơn các bạn. Tôi bị ngồi ở cuối lớp và không nhìn thấy bảng do tôi không biết mình bị cận, nên toàn phải nhìn bài của bạn bên cạnh. Vì thế mà tôi học đuối đi. Học kém nên tôi hay nói chuyện, nghịch ngợm trong lớp và dần dần trốn học đi chơi”, cụ Tiến nhớ lại.
“Mẹ tôi khuyên con không được thì đánh đến khi tôi trơ đòn. Từ đó tình mẹ con rạn vỡ. Khi đã trơ lì, tôi còn lấy cắp cả tiền của mẹ, lấy quần áo mới đem bán để ăn quà và cho bạn bè”, cụ tâm sự. “Tôi bị đuổi học 1 tuần. Tôi nói dối gia đình và bỏ đi chơi, không phải học lại thích. Nhưng rồi tôi học đuối hơn, rồi thầy hiệu trưởng đề nghị đuổi hẳn. Lúc đó, tôi đang học lớp 5”, cụ Tiến nghẹn ngào kể lại.
Cũng từ lúc bị đuổi học, cụ càng nghịch tợn, đến mức mẹ cụ viết đơn xin cho con đi cải tạo. “Mẹ tôi nghĩ rằng chỉ có công an mới giáo dục được. Nhưng công an cũng không nhận tôi mà chỉ bắt viết kiểm điểm rồi cho về, vì họ nói những việc tôi hư chỉ là chuyện của gia đình, không thể biến thành việc xã hội. Hôm đó, tôi đã bỏ nhà ra đi”, cụ Tiến khóc.
Khi đó, cụ Tiến ra ga Hàng Cỏ (Hà Nội), đi tàu lên Lào Cai và cuốc đất, nấu ăn, rửa bát thuê… Kỷ niệm nhớ nhất là khi đi rửa bát thuê cho hàng phở ở chợ Cốc Lếu (Lào Cai) vì đói quá, cụ đã dồn nước phở thừa lại, giấu vào một chỗ để giữa buổi thì húp. “Do hồi đó nghèo người ta cũng ăn hết, nên dồn mãi mới được một ít. Nhưng chỉ húp được 2 buổi thì thấy mất cái bát đó. Hôm sau, tôi lại giấu ở một chỗ khác thì cũng mất. Sau đó, tôi mới phát hiện bà chủ giữ nước thừa đó để nuôi lợn”, cụ Tiến lại bật khóc.
Đau khổ hơn là trong một lần giặt quần áo, cụ vò nát mất chiếc thẻ học sinh, thứ giấy tờ duy nhất cụ mang theo, nên cụ không có chỗ ngủ nữa, ở đâu cũng bị công an đuổi. Cụ phải đi xuống sông, ngủ ở thuyền, bè và làm thuê ở dọc sông Hồng từ Lào Cai về Hà Nội. “Sau mấy năm, tôi vác mái chèo cũ xin được về nhà để chứng minh cho mọi người thấy là tôi đi làm để sống, chứ không đi ăn cắp. Mẹ tôi vẫn không nuôi tôi, nên tôi đi đội than, làm thuê…”, cụ nghẹn lời chia sẻ.
Điều khiến tôi xúc động là dù bị mẹ “hà khắc” như vậy nhưng cụ vẫn không oán giận. Cụ Tiến kể đến khi mẹ ốm, cụ đến chăm sóc và đã nhiều lần định hỏi sao ngày trước mẹ lại đối xử với con như thế, nhưng rồi lại thôi. “Đến khi bà cụ mất tôi vẫn chưa có câu trả lời….”, cụ lại gạt nước mắt.
|
“Tôi sẽ cùng ông nuôi dạy các cháu”
Cụ Tiến kể trong mấy năm đi bụi đời, cụ đã được nhiều người tốt cưu mang. Có gia đình ở Yên Bái nuôi nửa tháng, có cô y tá nấu cháo cho ăn, có những người bạn đã khiêng cụ từ rừng ra viện khi bị sốt… Đặc biệt, một người mà cụ mang ơn mãi mãi là nghệ sĩ Hoàng Diệp, người đã tuyển cụ vào Đoàn văn công Công an vũ trang năm 1962, khi vừa 20 tuổi.
“Hồi đó, tôi đi đội than ở bến Bạch Đằng (Q.Long Biên, Hà Nội) lấy tiền đi học hát vì tôi mê âm nhạc. Rồi tôi xin tuyển vào Đoàn văn công Công an vũ trang (sau này chuyển thành Đoàn văn công Bộ đội biên phòng). Dù hát hay, nhưng thấy tôi gầy gò, đen đúa nên không được nhận. Lần thứ hai tôi cũng trượt, nhưng ông Đoàn trưởng Hoàng Diệp gọi tôi lại gặp riêng, hỏi về hoàn cảnh và đã đồng ý nhận tôi. Từ đó, tôi được đào tạo, huấn luyện và trở thành người lính mẫu mực, đi tham gia biểu diễn ở khắp các biên giới, hải đảo, đường Trường Sơn… và được nhận huân chương”, cụ Tiến nhớ lại.
Sau gần 20 năm công tác, do muốn phát triển kinh tế, cụ rời quân ngũ để đi kinh doanh, buôn bán. “Khi đã ổn định cuộc sống và 2 đứa con trai vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi nghĩ rằng phải làm một cái gì đó để giúp đỡ những đứa trẻ không may mắn như mình. Tôi đã ra ga Hàng Cỏ, ra bãi sông Hồng, cầu Long Biên, tìm lại những nơi ngày xưa mình từng ở đó. Rồi tôi đón bọn trẻ lang thang về cho ăn một bữa cơm…”, cụ Tiến trải lòng.
Cụ Tiến cũng cho biết khi đó vợ chồng cụ mở một quán bán bia ở phố Quán Sứ (Q.Hoàn Kiếm), hằng ngày cụ cho bọn trẻ ăn một bữa cơm. Nhưng rồi ăn xong, đám trẻ lại ra ga ngủ, ốm đau thì về nằm mấy ngày lại đi, nên cụ không đành. “Chính vì thế, tôi ngỏ lời với bà Oanh nhận các cháu về ở, nhưng vợ tôi không đồng ý. Bà ấy còn nghi tôi có con rơi, con vãi. Lúc bấy giờ tôi mới khai thật, tôi cũng từng là trẻ lang thang…”, cụ Tiến vừa kể vừa khóc.
Kể về thời điểm đó, cụ Oanh cũng cho biết lúc đầu cụ quyết liệt phản đối. “Khi đó, tôi đang là giáo viên và sẵn sàng dạy cho các cháu và cho ăn, nhưng nuôi thì rất phức tạp. Đến khi ông ấy kể về thân phận của mình và xin lỗi đã giấu tôi suốt 20 năm, tôi rất cảm động và thương những đứa trẻ có hoàn cảnh giống chồng mình. Tôi đã nói với ông ấy: thôi được rồi, tôi sẽ cùng ông nuôi dạy các cháu…”, cụ Oanh nhớ lại.
|
Nụ cười mãn nguyện
Cụ Tiến cho biết khi nhận trẻ về, vì còn khó khăn nên cụ chỉ nuôi ăn được một bữa. Để trẻ có việc làm tử tế, phù hợp với lứa tuổi, cụ đã thành lập Tổ bán báo Xa Mẹ, mua báo về cho trẻ bán, lãi trẻ hưởng, thiếu cụ bù và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của trẻ. Thế nhưng, chuyện dị nghị đã phát sinh. “Khi đi bán, để lấy lòng thương hại, có đứa nói dối với khách là nếu không bán được về tôi sẽ đánh, không cho ăn… vậy là sinh ra điều tiếng. Thậm chí, có luồng ý kiến cho rằng tôi bóc lột sức lao động của trẻ em… Cũng may tôi có sổ sách minh bạch và chính những đứa trẻ đã làm chứng cho tôi…”, cụ buồn rầu nhớ lại.
Nhưng cụ không nản chí. Khi đã có điều kiện hơn và thấy việc bán báo có những rủi ro nên từ năm 1995 cụ không cho các trẻ đi bán báo nữa. Cụ nói với các con đứa nào muốn theo nghề thì ra ngoài làm, cụ cấp vốn. Đứa nào ở lại cụ nuôi, nhưng phải đi học.
Thành công của cụ Tiến là đã nuôi dạy được 600 đứa trẻ bất hạnh, “trả lại” cho xã hội những công dân lương thiện. “Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện và một số phận khác nhau, trong số đó có không ít đứa trẻ hư. Khi đến đây, chúng đều nói dối là không có cha mẹ hoặc vì nghèo đói mà đi kiếm tiền, không đứa nào nhận là đứa trẻ hư. Nhưng tôi nuôi hết, vì chúng đều có hoàn cảnh đáng thương, không đáng giận”, cụ Tiến trải lòng.
Để có nguồn kinh phí nuôi trẻ, hai cụ đã kinh doanh du lịch, bán hàng ăn, cà phê sáng ngay tại ngôi nhà này. Hỏi về việc giờ đã già rồi sao không nghỉ ngơi, cụ Tiến bảo: “Vì làm việc nhân đạo nên trời cho tôi sống lâu, chứ tôi nhiều bệnh lắm”, rồi nở nụ cười mãn nguyện. (còn tiếp)
Là người làm việc 33 năm ở gia đình cụ Tiến, bà Trần Thị Hải Thanh (tên thường gọi là Vân) cho biết bà từng đưa những đứa trẻ lang thang về tắm rửa, chữa ghẻ lở cho chúng và chứng kiến rất nhiều câu chuyện xúc động ở ngôi nhà này. “Sau này, cụ Tiến đã tìm lại những gia đình giúp đỡ lúc cụ đi lang thang và nhận nuôi tới 8 – 9 người trong một gia đình, cả con cháu nội ngoại, ở ngôi nhà này”, bà Vân kể.
Anh Quách Văn Điệp (28 tuổi), một trong những đứa trẻ được vợ chồng cụ Tiến nuôi trưởng thành, là người đưa cụ (anh gọi bằng bố) đi thăm lại “tuổi thơ dữ dội”, cũng xúc động cho biết: “Khi bố tôi đến thăm lại những người trước đã cưu mang mình, nhiều người tưởng bố tôi đã chết và không ngờ ông đã có ngày hôm nay”.
VŨ THƠ
TNO