Không để chất vấn bị ‘lãng quên’
Việc không lựa chọn một số thành viên Chính phủ để chất vấn như tại các kỳ họp trước, mà sẽ chất vấn việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành được đưa ra từ đầu nhiệm kỳ, theo các đại biểu là một cách để những nội dung chất vấn không bị “lãng quên”.
Không để chất vấn bị ‘lãng quên’
Việc không lựa chọn một số thành viên Chính phủ để chất vấn như tại các kỳ họp trước, mà sẽ chất vấn việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành được đưa ra từ đầu nhiệm kỳ, theo các đại biểu là một cách để những nội dung chất vấn không bị “lãng quên”.
Bà Nguyễn Thanh Hải trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Xuân Cường bên hành lang Quốc hội ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Chia sẻ về điểm mới này, ĐB Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện QH, cho biết đây không phải là lần đầu QH thực hiện chất vấn tất cả thành viên Chính phủ, mà đã có “tiền lệ” từ nhiệm kỳ QH khóa 13. Theo bà Hải, việc QH rà soát việc thực hiện các lời hứa của bộ trưởng, đặc biệt là vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ sẽ rất hiệu quả khi những vấn đề mà ĐB, cử tri có thể đang bị “lãng quên” sẽ tiếp tục được đôn đốc, giải quyết.
Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 QH khóa 14, trình bày chi tiết việc thực hiện 2 nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề (đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và 3 nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn (tại các kỳ họp thứ 2, 3, 4).
Báo cáo của Chính phủ khẳng định xác định nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển KT-XH, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục những hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, báo cáo khẳng định vẫn còn những hạn chế như chất lượng xây dựng thể chế còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả…
|
Chất vấn là cơ hội tốt để nhìn nhận tồn tại của các bộ, ngành
Tại kỳ họp lần này, QH sẽ chất vấn việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ. Còn bộ nào nhiều, bộ nào ít thì chúng ta đã thấy rất rõ qua kỳ lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi. Rõ ràng, bộ trưởng nào số phiếu tín nhiệm còn thấp nhất thì vấn đề bức xúc của ngành đó sẽ được nhiều ĐBQH đặt ra để giải quyết.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá)
Cách xử lý của Chính phủ với 12 dự án thua lỗ là phù hợp
Với vấn đề 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, theo dõi trong thời gian vừa qua, tôi nghĩ cách xử lý của Bộ Công thương và Chính phủ tương đối phù hợp. Chúng ta không vì thua lỗ mà mang bán hay cho phá sản các doanh nghiệp. Cần có lộ trình tìm cách hồi phục và làm thế nào giảm dần lỗ và chuyển tới hoạt động có hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khi phát biểu tại QH đã cho biết, hiện có 2 dự án bắt đầu có hiệu quả nên có thể chuyển ra khỏi danh mục phục hồi và tiến tới cổ phần hóa. Nếu thực hiện như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị thất thoát tiền vốn tài sản nhà nước hoặc thất thoát ít hơn số tiền đã đầu tư vào đó. Đồng thời, chúng ta cũng phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh của những ngành, lĩnh vực có sản phẩm quan trọng, phải duy trì.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
|
LÊ HIỆP – VŨ HÂN