ĐTC Phanxicô: Không ai được cứu độ một mình
Trong bài diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ Quốc tế vì Hoà bình, được Cộng đồng Thánh Egidio tổ chức tại Roma với tựa đề “Không ai được cứu một mình. Hoà bình và Tình huynh đệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các nhà lãnh đạo của các tín ngưỡng khác cùng hợp tác “với sức mạnh hiền dịu của đức tin để chấm dứt mọi xung đột”.
Sau giờ cầu nguyện, các lãnh đạo tôn giáo và các quan khách đến Quảng trường Campidoglio trước Toà Thị trưởng Roma để bắt đầu cuộc gặp gỡ liên tôn. Tổng thống Sergio Mattarella của Ý chào Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Bartolomeo. Sau đó các lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kitô giáo cũng chào Đức Thánh Cha.
Lúc gần 5 giờ 30, cuộc gặp gỡ liên tôn tại Quảng trường Campidoglio bắt đầu. Sau lời chào mừng khai mạc của ông Andrea Riccardo, người sáng lập Cộng đoàn Thánh Egidio, và của Tổng thống Mattarella, các vị lãnh đạo các tôn giáo đã lần lượt phát biểu. Trước hết là Đức Thượng phụ Bartolomeo I của Chính thống Constantinople, rồi đến ông Haim Korsia, Rabbi trưởng ở Pháp; Tiến sĩ Mohamed Abdelsalam Abdellatif, Tổng Thư ký Uỷ ban Cao cấp về Tình Huynh đệ Nhân loại. Sau một bản nhạc, cuộc gặp gỡ tiếp tục với bài phát biểu của Hoà thượng Shoten Minegishi và của Tiến sĩ Karrmaljit Singh Dillon của Uỷ ban Quốc gia tín hữu Sikh.
Lên tiếng cuối cùng là Đức Thánh Cha Phanxicô. Mở đầu bài diễn văn Đức Thánh Cha nói: “Tôi vui mừng và tạ ơn Chúa vì tại đây trên Đồi Capitol, ở trung tâm của Roma, tôi có thể gặp gỡ quý vị, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các cơ quan công quyền và rất nhiều bạn bè yêu chuộng hòa bình. Bên cạnh nhau, chúng ta đã cầu nguyện cho hoà bình.”
Sau khi chào Tổng thống Ý, Đức Thượng phụ Bartolomeo và các vị lãnh đạo hiện diện, Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc gặp gỡ tại Assisi vào năm 1986, lần đầu tiên Đức Giáo hoàng mời các vị lãnh đạo các tôn giáo khác cùng ngài cầu nguyện cho hòa bình cho gia đình nhân loại.
Ngài nhận định rằng Cuộc Gặp gỡ Assisi và tầm nhìn hòa bình của nó có hạt giống tiên tri mà nhờ ơn Chúa đã dần dần chín mùi qua những cuộc gặp gỡ chưa từng có, những hành động kiến tạo hòa bình và những sáng kiến mới mẻ của tình huynh đệ. Đức Thánh Cha nói: “Dù những năm qua đã chứng kiến những sự kiện đau đớn, bao gồm xung đột, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đôi khi nhân danh tôn giáo, nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận những bước tiến hiệu quả được thực hiện trong cuộc đối thoại giữa các tôn giáo. Đây là một dấu hiệu của hy vọng khuyến khích chúng ta tiếp tục hợp tác như anh chị em. Bằng cách này, chúng ta đã đến được Văn kiện quan trọng về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình Thế giới và sự Chung sống, mà tôi đã ký với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, vào năm 2019.”
Các tôn giáo phục vụ hoà bình và tình huynh đệ
Đức Thánh Cha khẳng định: “Giới răn về hoà bình được khắc sâu trong các truyền thống tôn giáo.” (Fratelli Tutti, 284). Các tín đồ đã hiểu rằng sự khác biệt tôn giáo không biện minh cho sự thờ ơ hay thù hận. Đúng hơn, trên nền tảng đức tin tôn giáo của mình, chúng ta có khả năng trở thành những người kiến tạo hoà bình, thay vì đứng im, bị động trước sự ác của chiến tranh và hận thù. Các tôn giáo phục vụ hoà bình và tình huynh đệ. Vì lý do này, cuộc gặp gỡ này thúc đẩy các lãnh đạo tôn giáo và tất cả các tín đồ nhiệt thành cầu nguyện cho hoà bình, không bao giờ đầu hàng chiến tranh, nhưng hành động với sức mạnh hiền lành của đức tin để chấm dứt xung đột.”
Dửng dưng và đại dịch làm cho sự ác của chiến tranh thêm trầm trọng
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta cần hoà bình! Cần bình an hơn! ‘Chúng ta không thể thờ ơ. Ngày nay thế giới có một khát khao hoà bình mãnh liệt. Ở nhiều quốc gia, con người đang phải chịu đựng những đau khổ do chiến tranh, thường bị lãng quên, nhưng luôn là nguyên nhân của đau khổ và nghèo đói.” (Diễn văn Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hoà bình, Assisi, 20/1/2016). Thế giới, đời sống chính trị và dư luận đều có nguy cơ ngày càng quen thuộc với sự ác độc của chiến tranh, như thể nó đơn giản là một phần của lịch sử nhân loại. ‘Chúng ta đừng sa lầy vào các cuộc thảo luận lý thuyết, nhưng hãy chạm vào da thịt bị thương của các nạn nhân… Chúng ta hãy nghĩ đến những người tị nạn và di tản, những người chịu ảnh hưởng của bức xạ nguyên tử hoặc các cuộc tấn công hóa học, những người mẹ mất con và các trẻ em trai gái bị đày đoạ hoặc bị tước đoạt tuổi thơ.” (Fratelli Tutti, 261). Hiện nay, những đau khổ của chiến tranh càng trở nên trầm trọng hơn bởi đau khổ do virus corona gây ra và ở nhiều quốc gia, bởi việc không có được những chăm sóc cần thiết.
Hoà bình là ưu tiên của mọi nền chính trị
Đức Thánh Cha cũng lưu ý: “Trong khi đó, các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, khiến họ đau khổ và chết chóc. Chấm dứt chiến tranh là một nghĩa vụ trang trọng trước mặt Thiên Chúa của tất cả những người nắm giữ trách nhiệm chính trị. Hòa bình là ưu tiên của mọi nền chính trị. Thiên Chúa sẽ hỏi về những người không tìm hoà bình, hoặc những người gây ra căng thẳng và xung đột. Người sẽ yêu cầu họ thuật lại tất cả những ngày, tháng và năm chiến tranh mà các dân tộc trên thế giới phải chịu đựng!”
Chiến tranh đã đủ rồi!
Nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô “hãy đặt gươm lại vào chỗ cũ; vì ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm” (Mt 26,52), Đức Thánh Cha giải thích rằng những người sử dụng gươm, có thể với niềm tin rằng nó sẽ giải quyết các tình huống khó khăn một cách nhanh chóng, sẽ biết trong cuộc sống của chính họ, cuộc sống của những người thân yêu và cuộc sống của đất nước họ, cái chết bởi gươm giáo. Chúa Giêsu nói “đủ rồi!” (Lc 22,38), khi các môn đệ đưa ra hai thanh gươm trước Cuộc Khổ nạn. “Đủ rồi!” Đó là phản ứng rõ ràng của Chúa đối với bất kỳ hình thức bạo lực nào. Lời duy nhất đó của Chúa Giêsu vang vọng qua nhiều thế kỷ và nói với chúng ta một cách mạnh mẽ trong thời đại của chúng ta: đã đủ gươm giáo, vũ khí, bạo lực và chiến tranh rồi!”
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã lặp lại lời đó trong lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc vào năm 1965: “Đừng gây thêm chiến tranh!” Đây là lời kêu gọi của chúng ta và tất cả những người nam nữ thiện chí. Đó là ước mơ của tất cả những ai nỗ lực và hoạt động cho hòa bình khi nhận ra rằng “mọi cuộc chiến tranh đều khiến thế giới của chúng ta tồi tệ hơn trước” (Fratelli Tutti, 261).
Chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta tìm ra con đường thoát khỏi những xung đột khó chịu và dai dẳng? Làm thế nào để chúng ta gỡ rối cho rất nhiều cuộc đấu tranh vũ trang? Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn các xung đột? Làm thế nào để chúng ta gợi nên các ý tưởng hoà bình nơi các lãnh chúa và những người dựa vào sức mạnh của vũ khí? Không một người nào, không một nhóm xã hội nào có thể một tay tạo ra hoà bình, thịnh vượng, an ninh và hạnh phúc. Không một ai. Bài học rút ra từ đại dịch gần đây, nếu chúng ta muốn trung thực, đó là “nhận thức rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, tất cả ở trên cùng một con thuyền, nơi vấn đề của một người là vấn đề của tất cả. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau.” (Fratelli Tutti, 32).
Tình huynh đệ, được sinh ra từ nhận thức rằng chúng ta là một gia đình nhân loại, phải thâm nhập vào đời sống của các dân tộc, các cộng đồng, các nhà lãnh đạo chính phủ và cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ giúp mọi người hiểu rằng chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau thông qua cuộc gặp gỡ và thương lượng, gạt bỏ xung đột và theo đuổi hoà giải, kiểm soát ngôn ngữ chính trị và tuyên truyền, và phát triển các con đường hoà bình thực sự (x. Fratelli Tutti, 231).
Cuối bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta họp nhau vào chiều hôm nay, với tư cách là những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, để gửi đi một thông điệp hoà bình. Điều này chứng tỏ rõ ràng rằng các tôn giáo không muốn chiến tranh; ngược lại, họ chối bỏ những người thần thánh hoá bạo lực. Họ yêu cầu mọi người cầu nguyện cho sự hoà giải và hành động để tình huynh đệ mở ra những con đường hy vọng mới. Trên thực tế, với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể xây dựng một thế giới hoà bình, và do đó được cứu cùng với nhau.”
Sau diễn văn của Đức Thánh Cha, một video ngắn với những hình ảnh đau khổ của thế giới được chiếu. Mọi người được mời gọi thinh lặng 1 phút để tưởng nhớ các nạn nhân của đại dịch và của các cuộc chiến.
Tiếp đến, lời kêu gọi hoà bình năm 2020 được xướng lên. Sau đó, các trẻ em nhận Lời Kêu gọi Hoà bình từ các vị lãnh đạo liên tôn, giơ cao cho mọi người hiện diện nhìn thấy và sau đó trao cho các đại sứ và các lãnh đạo các tổ chức.
Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo thắp sáng các ngọn nến hoà bình và ký Lời Kêu gọi Hoà bình Roma năm 2020.
Cuộc gặp gỡ liên tôn kết thúc với cử chỉ chúc bình an của các vị lãnh đạo tôn giáo.