Dự án đã giành giải nhất cuộc thi Idea Hunter 2018, vừa diễn ra tại Đà Nẵng vào đầu tháng 10, với phần thưởng trị giá 50 triệu đồng; đồng thời dự án cũng được chọn là đại diện của VN tham dự Tuần lễ triển lãm công nghệ – IT Japan Week 2018, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Áp dụng blockchain và AI trong trường hợp với dự án Sổ tay lưu trữ bệnh án là gì? Duy Khánh giải thích: “Blockchain là hệ thống điện tử thu nhập dữ liệu. Khi khám bệnh xong, dữ liệu bệnh án của mỗi cá nhân sẽ được lưu trữ hoàn toàn trên hệ thống và sẽ không thay đổi được. Dữ liệu bệnh sẽ được cập nhật liên tục từ nhiều lần khám khác nhau, ở những nơi khác nhau nhưng được thu về một mối. Còn AI là hệ thống hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và đưa kết quả khám bệnh phù hợp trong từng giai đoạn dựa trên thông số của từng cá nhân. Không những thế, nó còn giúp bác sĩ đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân về phương hướng luyện tập phù hợp với mỗi người trong thời gian dưỡng bệnh và sau khi hết bệnh để có sức khoẻ tốt hơn”.
Theo Khánh, hiện tại đã có những ứng dụng giúp quản lý bệnh án điện tử, nhưng cũng giống như những hệ thống lưu trữ khác, các ứng dụng này đa phần lưu trữ dữ liệu tập trung (centralized) nên việc bị hacker tấn công, dữ liệu có thể dễ dàng bị mất, thất thoát dữ liệu. “Cho nên mình quyết định nghiên cứu và cho ra ứng dụng lưu trữ hồ sơ bệnh án trên nền tảng công nghệ blockchain”.
Khánh cũng cho biết: “Bệnh nhân sử dụng dễ dàng các thiết bị thông minh để truy cập và lấy được thông tin bệnh án của bản thân. Dễ kiểm soát và quản lý tình trạng khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát nguồn tiền mình nộp vào bệnh viện. Đảm bảo nguồn tiền sử dụng đúng mục đích, chính xác.
Ngoài ra, còn giúp các bên thứ ba như: bảo hiểm, nhà thuốc, nhà nghiên cứu có thể truy cập hồ sơ bệnh án “không định danh” làm dữ liệu nghiên cứu bệnh lý thông qua hệ thống AI phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, kiểm soát và nắm bắt tình hình dịch bệnh mà người dân có nguy cơ mắc phải để có hướng cảnh báo, ngăn ngừa.
Sử dụng hệ thống blockchain sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ dữ liệu hệ thống, từ đó tạo thành một hệ thống khép kín trong chuỗi vận hành y tế như: bệnh viện, bệnh nhân, phòng thí nghiệm, đơn vị sản xuất thuốc… Và ưu điểm lớn nhất là sự kết nối và tối ưu hoá thời gian xác thực. Bệnh viện sẽ chuyển trả kết quả liên tục qua bác sĩ, nhà thuốc, bảo hiểm… Bệnh nhân đi khám bệnh đỡ tốn thời gian nhưng lại có được kết quả nhanh chóng, chính xác hơn”.
Với một người dân bình thường không biết về công nghệ thì khi dùng “Sổ tay lưu trữ bệnh án áp dụng blockchain và AI” có quá khó với họ? Thiên Phúc giải thích: “Rất đơn giản. Bệnh nhân sẽ có một tài khoản riêng, khi sử dụng sẽ chạy trên app mobile hoặc web, trên đó sẽ có những tác vụ giúp họ kết nối với các bên trong chuỗi vận hành y tế. Phần mềm cũng kết nối được với Smart Contract và Internet Banking giúp chuyển tiền thông minh và giao dịch một cách dễ dàng giữa người bệnh với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ”.
LÊ THANH