Viện nghiên cứu Brazil: vắc xin Covid-19 Sinovac của Trung Quốc an toàn
Viện nghiên cứu Brazil: vắc xin Covid-19 Sinovac của Trung Quốc an toàn
Viện Butantan ngày 19.10 thông báo kết quả sơ bộ cho thấy vắc xin Covid-19 do công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) phát triển được thử nghiệm ở Brazil là an toàn.
Tọa lạc tại thành phố São Paulo (bang São Paulo), Viện Butantan là một trong những trung tâm nghiên cứu y sinh hàng đầu của Brazil. Viện Butantan đang thực hiện cuộc thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 vắc xin CoronaVac của Sinovac. Gia đoạn 3 là bước cuối cùng trước khi vắc xin được phê chuẩn.
Theo Viện Butantan, kết quả sơ bộ cho thấy vắc xin CoronaVac được chứng minh là an toàn trong cuộc thử nghiệm với sự tham gia của 9.000 tình nguyện viên. Tuy nhiên, Giám đốc Viện Butantan, ông Dimas Covas tuyên bố sẽ không công bố dữ liệu về mức độ hiệu quả của vắc xin CoronaVac cho đến khi hoàn tất thử nghiệm trên toàn bộ 13.000 tình nguyện viên, theo Reuters.
Theo ông Covas, kết quả sơ bộ cho thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào đối với vắc xin CoronaVac. Cụ thể, 20% tình nguyện viên bị đau nhẹ vì vết tiêm, 15% đau đầu sau liều đầu tiên, giảm xuống 10% trong lần thứ 2. Dưới 5% tình nguyện viên cho biết họ buồn nôn hoặc mệt mỏi, ông Covas cho biết.
Ông Covas nhấn mạnh kết quả chỉ mới là sơ bộ nên các nhà nghiên cứu sẽ phải tiếp tục theo dõi những người tham gia cuộc thử nghiệm đang diễn ra.
Người đứng đầu cơ quan y tế bang São Paulo, ông Jean Gorinchteyn cho biết vắc xin CoronaVac được đánh giá có thể giúp cơ thể người tạo ra kháng thể chống lại virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, Thống đốc bang São Paulo, ông João Doria nói: “Kết quả sơ bộ của nghiên cứu lâm sàng chứng minh rằng trong số tất cả vắc xin đang được thử nghiệm tại Brazil, CoronaVac là an toàn nhất”.
Chính quyền bang São Paulo kỳ vọng vắc xin CoronaVac sẽ được chứng minh an toàn để phê chuẩn theo quy định vào cuối năm nay nhằm bắt đầu tiêm chủng cho người dân vào đầu năm 2021. Đây là kết quả thử nghiệm sơ bộ đầu tiên của vắc xin CoronaVac. Vắc xin cũng đang được thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
São Paulo đã ký hợp đồng với Sinovac để mua 60 triệu liều vắc xin. Sinovac chọn Brazil làm nơi thử nghiệm đầu tiên vì đây là một trong những điểm nóng toàn cầu của đại dịch Covid-19. Đến nay, Brazil ghi nhận hơn 5,2 triệu ca nhiễm và hơn 154.000 người chết vì Covid-19, đứng hàng thứ 4 trên thế giới sau Mỹ và Ấn Độ.
Cuộc đua phát triển vắc xin Covid-19 đang tăng tốc. Hãng AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) đang tiến hành phân tích dữ liệu từ cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 của họ ở Anh.
AstraZeneca phải tạm dừng cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ nhưng vẫn tiếp tục cở Anh. Brazil cũng đang tiến hành cuộc thử nghiệm Giai đoạn 3 đối với vắc xin của AstraZeneca.
Trong khi đó, công ty Pfizer (Mỹ) thông báo có thể công bố báo cáo phân tích sơ bộ về cuộc thử nghiệm vắc xin Covid-19 trong tháng này. Còn công ty Moderna (Mỹ) có thể công bố kết quả vào tháng 11.
Viện Gamaleya (Nga) dự kiến công bố bản phân tích về vắc xin Sputnik V trong tháng tới.
Tuy nhiên, hãng Johnson & Johnson (Mỹ) đã phải tạm dừng cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 tại Mỹ vì các vấn đề về an toàn.
Trả lời Thanh Niên, giáo sư Sascha-Dominik Dov Bachmann tại Đại học Canberra (Úc) cho biết Mỹ, Nga, Anh và Trung Quốc hiện là những nước lớn đang dẫn đầu trong cuộc đua vắc xin Covid-19.
“Quốc gia nào có vắc xin được chứng minh hiệu quả đầu tiên sẽ giành vị trí dẫn đầu toàn cầu giữa lúc đại dịch Covid-19 hoàn hành khắp thế giới. Điều này có thể tác động đến trật tự thế giới”, ông Bachmann lưu ý.
PHÚC DUY
TNO