Công bố thông tin về chất lượng môi trường, tư nhân và cá nhân phải ‘xin phép’?
Công bố thông tin về chất lượng môi trường, tư nhân và cá nhân phải ‘xin phép’?
Mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi công bố thông tin về chất lượng môi trường xung quanh phải đăng ký với cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường, được nêu trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Những ngày qua, trên mạng xã hội bàn tán xôn xao về khoản 4, điều 118 dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có quy định: “các cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, không thuộc hệ thống qua trắc môi trường quốc gia, quan trắc môi trường cấp tỉnh khi công bố thông tin về chất lượng môi trường xung quanh phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”.
Trước điều khoản trên, nhiều ý kiến cho rằng trong những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội năm 2019, thông tin do các tổ chức độc lập công bố về chất lượng không khí còn nhanh hơn, được cập nhật thường xuyên, vì thế quy định trên không khuyến khích được lĩnh vực tư nhân tham gia quan trắc môi trường.
Thậm chí, một chuyên gia về môi trường không khí còn cho rằng quy định trên rất không ổn trong thời đại 4.0, chuyển đổi số khi người ta ngồi ở đâu cũng có thể biết được chất lượng môi trường của cả thế giới chứ đâu riêng Việt Nam. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng chỉ cần quy định phải chịu trách nhiệm với thông tin công bố.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Quan lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết những ý trên là từ một bản dự thảo cũ, hiện nay đã sửa đổi rất nhiều.
Ông Nam khẳng định về quan trắc môi trường, quan điểm chung của luật là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động quan trắc môi trường.
“Trong dự thảo luật mới nhất, tại chương quy định về quan trắc môi trường, điều 107 có quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật” – ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, nhà nước vẫn khuyến khích tổ chức, doanh nghiêp, tổ chức xã hội tham gia quan trắc môi trường, nhưng phải theo quy định, không phải dùng thiết bị kém chất lượng, đặt trạm ở những vị trí không phù hợp rồi công bố chất lượng môi trường không chính xác.
Ông Nam cũng cho biết những ý trong điều 118 ở dự thảo cũ, nay được thiết kế trong điều 111 của dự luật, nhưng đã sửa đổi, quy định theo hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, quan trắc môi trường cấp tỉnh, khi thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường thì phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường. Và phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường về quan trắc môi trường.
Ông Nam giải thích, các cơ quan nhà nước nằm trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, quan trắc môi trường địa phương đều có trong quy hoạch quan trắc môi trường, có chức năng, năng lực thực hiện quan trắc môi trường.
“Các cơ quan của nhà nước cũng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về trang thiết bị đo đạc, quan trắc, phải được kiểm định về tiêu chuẩn chất lượng, việc lấy mẫu, phân tích cũng phải theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn và con người thực hiện phải có đủ năng lực. Với tư nhân, cá nhân thì cũng bình đẳng, cũng phải đáp ứng các yêu cầu như với các đơn vị nhà nước thực hiện quan trắc, tránh tình trạng các tổ chức không đủ năng lực, dùng thiết bị rẻ tiền, thiết bị không được kiểm định về chất lượng, đặt thiết bị quan trắc ở những vị trí không đảm bảo tiêu chí về quan trắc chất lượng môi trường rồi công bố sẽ không chính xác, gây hoang mang” – ông Nam nói.
Tuy nhiên, ông Lê Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường cũng cho biết những sửa đổi như trên vẫn còn là dự thảo, chưa phải là quy định cuối cùng vì dự luật đang trong quá trình bổ sung, sửa đổi.