Nobel Vật lý trao cho nghiên cứu về hố đen
Nobel Vật lý trao cho nghiên cứu về hố đen
Giải Nobel Vật lý năm 2020 đã được trao cho bộ ba nhà khoa học giúp thúc đẩy sự hiểu biết của nhân loại về một trong những hiện tượng bí ẩn nhất của vũ trụ – hố đen.
Hôm qua 6.10, giải Nobel Vật lý lần thứ 114 được công bố trao cho các nhà khoa học Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) nhờ vào các công trình nghiên cứu giúp hé lộ manh mối về hố đen, cũng như sự phát hiện siêu hố đen ở trung tâm dải Ngân hà.
Theo trang Nobelprize.org, một nửa giải thưởng về tay Giáo sư Roger Penrose của Đại học Oxford (Anh) vì đã dùng toán học để chứng minh sự tồn tại của hố đen.
Bản thân nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein, cha đẻ của Thuyết tương đối rộng, vẫn không tin rằng vũ trụ thực sự có hố đen, như là “những con quái vật thực thụ” có khả năng nuốt mọi thứ, thậm chí cả ánh sáng.
Tuy nhiên, 10 năm sau khi ông Einstein qua đời, Giáo sư Penrose không những chứng minh được các hố đen thực sự có thể hình thành mà còn mô tả chúng hết sức chi tiết. Báo cáo gây chấn động của ông giờ đây vẫn được xem là đóng góp quan trọng nhất cho Thuyết tương đối rộng của Einstein. Phải đợi đến năm 2019, giới thiên văn học mới chụp được bức ảnh đầu tiên về hố đen, chứng minh cho các dự báo trước đó.
|
Một nửa giá trị giải thưởng còn lại được chia đều cho nhà vật lý học người Đức Reinhard Genzel, đang công tác tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ) và Viện Max Planck về Vật lý ngoài trái đất (Đức); và nhà thiên văn học Andrea Ghez của Đại học California ở Los Angeles (Mỹ).
Cả hai đều dẫn đầu một nhóm các nhà thiên văn học, từ đầu thập niên 1990 đã tập trung nghiên cứu một khu vực gọi là Sagittarius A* ở trung tâm dải Ngân hà. Sau thời gian quan sát, hai nhóm đều nhất trí rằng phải có một vật thể vô hình, siêu nặng đang thao túng các chuyển động của những ngôi sao gần nó. Cuối cùng họ xác định đây là siêu hố đen, nặng gấp 4 triệu lần mặt trời và dồn nén bên trong một khu vực không lớn của hệ mặt trời.
Công trình nghiên cứu đóng vai trò tiên phong của họ đã cung cấp cho con người chứng cứ xác thực nhất về sự tồn tại của một siêu hố đen tại trung tâm dải Ngân hà. Giờ đây, giới khoa học biết được mọi thiên hà đều chứa siêu hố đen.
Năm nay, nhà tổ chức giải Nobel đã quyết định tăng giải thưởng cho những người đoạt giải, từ 9 triệu lên 10 triệu crown Thụy Điển (hơn 26 tỉ đồng).
THUỴ MIÊN
TNO