27/11/2024

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn: ‘Khó giải quyết’ chỉ là nguỵ biện

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng những lý giải của chính quyền H.Sóc Sơn (Hà Nội) về việc vướng mắc khiến đất rừng bị “xẻ thịt” suốt nhiều năm chỉ là ngụy biện và thể hiện sự thiếu trách nhiệm.

 

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn: ‘Khó giải quyết’ chỉ là nguỵ biện

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng những lý giải của chính quyền H.Sóc Sơn (Hà Nội) về việc vướng mắc khiến đất rừng bị “xẻ thịt” suốt nhiều năm chỉ là ngụy biện và thể hiện sự thiếu trách nhiệm.

 

 

 

Theo GS Đặng Hùng Võ, chiếu theo quy định, các công trình kể cả kiên cố, xây sai phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn đều phải tháo dỡ  /// Ảnh: Sơn Quân

Theo GS Đặng Hùng Võ, chiếu theo quy định, các công trình kể cả kiên cố, xây sai phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn đều phải tháo dỡ   ẢNH: SƠN QUÂN

 

 
Vướng xử lý vì khó xác định nguồn gốc đất
Trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo H.Sóc Sơn lý giải, đây là việc tồn tại nhiều nhiệm kỳ, và chính quyền khoá mới đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, của cấp uỷ, giám sát của HĐND để giải quyết vấn đề, đặc biệt là cố gắng ngăn chặn các sai phạm mới. “Nếu chúng tôi không làm thì vi phạm sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều”, vị này lý giải.
 

Cũng theo vị này, những vi phạm phát sinh mới đã được huyện yêu cầu thống kê và phá dỡ nhiều, như tại xã Phù Lỗ, Phú Minh, chứ không phải riêng 2 xã Minh Trí và Minh Phú có vi phạm. “Trong vòng 6 tháng, chúng tôi đã giải quyết toàn bộ 68 công trình vi phạm ở Phú Minh, phá dỡ hết, chứ không phải không làm được. Nhưng những công trình tồn tại cũ thì rất khó xác định nguồn gốc đúng của đất, còn nếu đã xác định được chuẩn rồi thì người dân buộc phải chấp hành”.

 
Ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, cho rằng việc quan trọng hiện nay là giải quyết tồn đọng cũ, trong đó có việc phân định rõ việc một số trường hợp người dân được UBND xã xác nhận chuyển nhượng đất là đúng hay sai, nếu xác nhận sai thì đó là trách nhiệm của chính quyền, để có hướng xử lý với các hộ vi phạm. “Phải rất sòng phẳng với nhau về việc đâu là trách nhiệm của chính quyền, đâu là trách nhiệm của người dân. Chuyện này chúng tôi đã biết, thực chất là vấn đề tồn tại âm ỉ nhiều năm, chúng tôi đã có chỉ đạo và vẫn bám sát chỉ đạo của TP để giải quyết”, ông Phương nói với PV Thanh Niên và cho rằng, cái khó nhất là nguồn gốc đất chưa rõ ràng, vì có lịch sử là dân vào ở trước, đất rừng có sau.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay khi Chủ tịch UBND TP yêu cầu thanh tra toàn diện và báo chí vào cuộc đồng loạt, thì hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn vẫn tiếp tục diễn ra trước mắt chính quyền sở tại, công trình vi phạm mới vẫn xuất hiện, cho thấy cái khó không chỉ là giải quyết những vướng mắc cũ.
 
Khó vì thiếu trách nhiệm
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 19.10, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, chuyện có kết luận thanh tra đã 12 năm mà không thực hiện được “rõ ràng là việc bất thường” và “các lý do chính quyền đưa ra về việc khó thực hiện nọ kia tôi cho là có tính chất ngụy biện”. “Tất nhiên có việc người dân lên khai hoang trước khi có quy hoạch đất rừng phòng hộ, nhưng quy hoạch ra là để thực hiện, chứ không phải để lấy lý do không thực hiện quy hoạch. Có phải quy hoạch nào cũng có trước hiện trạng đâu”, GS Võ nói và nhấn mạnh, kể cả trong trường hợp quy hoạch thiếu hợp lý thì vẫn có cách xử lý là điều chỉnh quy hoạch, chứ không có lý do gì để sự việc bế tắc cho đến nay, để vi phạm mới tiếp tục phát sinh.
 

Với những lằng nhằng quanh việc cấp sổ đỏ cho người dân trên những diện tích 4.000, 6.000 m2 trái quy định cũng cần được đưa ra xem xét từng trường hợp một, xem sổ cấp lúc nào, ai cấp, cấp trên luận cứ nào để chiếu theo quy định xem đúng hay sai, theo GS Võ. Tuy nhiên, tất cả những vướng mắc về thủ tục đó không phải vấn đề, mà điều cốt yếu ở đây, theo GS Võ là việc để chuyển nhượng đất rừng tràn lan.

 
“Vấn đề ở chỗ, chuyển đổi đất rừng phòng hộ sau khi có quy hoạch là sai hoàn toàn. Chính quyền xã xác nhận cho các chuyển nhượng đó, chính quyền huyện cấp phép cho xây dựng là vi phạm pháp luật. Còn người dân địa phương, nếu chưa có kinh phí đưa ra khỏi rừng thì pháp luật vẫn cho phép để họ ở đó. Khoanh đất cho người ta thế nào, hiện trạng thế nào rất rõ ràng ra, người ta vẫn có thể ở đó. Nhưng những người đó không được chuyển nhượng cho người bên ngoài, chỉ được chuyển nhượng cho người ở trong xã. Đấy là quy định. Chính việc chuyển nhượng cho người ở bên ngoài vào, cho “đại gia” mới sinh ra chuyện người ta vào xây biệt thự, khu sinh thái, mới sinh ra phá rừng, xẻ thịt rừng, chứ người dân ở đó làm vườn rừng không vấn đề gì cả và pháp luật cho phép”, GS Võ nhấn mạnh.
 
Nếu chiếu theo quy định, các công trình kể cả kiên cố xây sai phạm trên đất rừng phải tháo dỡ, nếu không tuân thủ thì cưỡng chế tháo dỡ.
 
Trong ngày 19.10, Thanh Niên cũng đã liên hệ với Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc để trao đổi thêm về vai trò giám sát của HĐND xung quanh câu chuyện đã tồn đọng rất lâu, làm ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín của chính quyền Hà Nội. Bà Ngọc cho biết sau khi tiếp nhận thông tin chính thức sẽ có phản hồi về vấn đề này.
 
Chiều 19.10, trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn, cho biết sang đầu tuần tới sẽ báo cáo Thường vụ Huyện uỷ Sóc Sơn về việc đình chỉ điều hành công việc của Chủ tịch UBND xã Minh Phú để ông này tập trung giải quyết dứt điểm các công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, sẽ có hình thức đề xuất kỷ luật cụ thể đối với Chủ tịch UBND xã Minh Phú. “Nếu không xử lý dứt điểm được vấn đề này, sẽ đề nghị cách chức Chủ tịch UBND xã Minh Phú. Quan điểm của UBND H.Sóc Sơn là chỉ đạo xử lý quyết liệt”, ông Tuấn nói.
 
Trả lời Thanh Niên về việc có ý kiến ra sao về những vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở H.Sóc Sơn, đại diện Bộ TN-MT khẳng định, chưa nhận được văn bản lấy ý kiến nào của TP.Hà Nội liên quan đến xử lý sai phạm trên đất rừng phòng hộ ở H.Sóc Sơn. Lê Quân

 

VŨ HÂN