26/01/2025

Dành cả thanh xuân dạy trẻ khuyết tật

20 năm qua, cô Nguyễn Thị Ái Vân (Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái) thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân của mình để nuôi dạy trẻ khuyết tật.

 

Dành cả thanh xuân dạy trẻ khuyết tật

20 năm qua, cô Nguyễn Thị Ái Vân (Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái) thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân của mình để nuôi dạy trẻ khuyết tật.
 

 

 

Cô Ái Vân tập vận động cho học sinh khuyết tật chân tay /// Vũ Thơ

Cô Ái Vân tập vận động cho học sinh khuyết tật chân tay   VŨ THƠ

 
Trực 24 giờ/ngày
Cô Ái Vân có gương mặt khả ái, giọng nói ngọt ngào và truyền cảm. Cô dạy nhiều em thiểu năng trí tuệ. Có em thì khuyết tật đôi tay, khó khăn lắm mới viết được tên của bài học vào vở. Có em khuyết tật ngôn ngữ nên khi cô gọi lên đọc, đánh vật mãi mới phát âm được vài từ…
 

Khi “kẻ nói không có người nghe”, ắt hẳn sẽ là sự cáu giận, nhưng cô Ái Vân vẫn dịu dàng uốn nắn từng nét bút, tập đánh vần cho từng em và mỗi em lại phải dạy một kiểu vì khuyết tật của các em không giống nhau.

 
“Có những bài giảng cả tuần mà các con chưa hiểu. Có con suốt ngày khóc vì không hiểu thầy cô, bạn bè nói gì, không biết đọc, viết; dạy cả tháng trời bảng chữ cái, để khi kiểm tra, đánh giá chỉ biết viết tên mình…”, cô Ái Vân kể.
 
Tuy nhiên đó cũng chỉ là một khó khăn nhỏ trong nghề giáo của cô, vì đối với một giáo viên dạy trẻ khuyết tật, công việc nặng nề hơn là phải dạy các em về kỹ năng sống. Không như các giáo viên khác, mỗi ngày trực của cô Ái Vân là trọn vẹn 24 giờ (bắt đầu từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau) vì cô còn làm cả nhiệm vụ quản sinh và chăm lo từng bữa cơm, manh áo, giấc ngủ cho các em.
 
 
 
Dành cả thanh xuân dạy trẻ khuyết tật - ảnh 2

Dạy trẻ khuyết tật cũng hạnh phúc vô bờ. Mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của các con là dường như chúng tôi quên bớt sự mệt mỏi.

 
 

Nguyễn Thị Ái Vân
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái

 

Có em khuyết tật vận động, không thể lên xuống cầu thang, cô lại từng ngày, từng giờ giúp học sinh đi lại. Có em khuyết tật trí tuệ, khi mới đến trung tâm lầm lì, ngại va chạm, tiếp xúc, cô phải động viên dỗ dành như con nít, dù đã 14 – 15 tuổi. Có em hay cáu, có khi hất đổ cả mâm cơm lúc đang ăn… Còn việc nói một đằng làm một nẻo là chuyện thường ngày.

“Dạy trẻ khuyết tật gian nan lắm. Đó là lúc các con trốn lên ngọn cây, chui vào bụi cây, các xó xỉnh, chỉ vì lỡ tay đánh vỡ một tấm kính nhỏ, để rồi các cô, các mẹ, các bạn nháo nhác, vã mồ hôi đi tìm. Đó là lúc vừa giận vừa thương và vừa buồn cười khi chạy khắp nơi tìm không thấy, để rồi chợt nhận ra con lại chạy ngay phía sau lưng mình mà không biết mọi người đang đi tìm chính mình…”, cô Ái Vân chia sẻ.
 
 

“Cho đi là hạnh phúc”
Không chỉ dạy học sinh chính khóa, cô còn đảm nhận cả công việc can thiệp cho những học sinh khuyết tật trên địa bàn theo nhu cầu của phụ huynh. Thế nên, vừa thoắt giảng bài trên lớp, cô lại xuống phòng hỗ trợ, can thiệp sớm để “chữa bệnh” cho học sinh. Có khi là xoa bóp, tập đi lại cho những em bị khuyết tật chân; có khi chơi xếp hình với các em bị thiểu năng trí tuệ; lại có khi cùng các em hát bài “một con vịt xòe ra hai cái cánh”, mặc dù chúng đã lớn tướng rồi. Có khi cô lại bế trẻ ru ngủ vì đêm qua con không chịu ngủ… Còn chuyện đi đổ bô, lau rửa cho các em dù chúng không còn nhỏ, không phải chuyện hiếm…
 
 
 
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 dự kiến tổ chức lễ tuyên dương vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN (20.11) tại Hà Nội.
Mỗi thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; bằng khen của T.Ư Hội LHTN VN, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT.

 

Chia sẻ về động lực để vượt qua những khó khăn của nghề, cô Ái Vân tâm sự: “Dạy trẻ khuyết tật cũng hạnh phúc vô bờ. Mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của các con là dường như chúng tôi quên bớt sự mệt mỏi. Chúng tôi thực sự vui mừng, xúc động khi các con tự làm được những công việc tưởng chừng đơn giản như: biết chào hỏi, tự chăm sóc chính bản thân mình, nói được một từ, nghe được một chút âm thanh…”.

Khi hỏi: “Vì sao cô lại theo đuổi nghề vất vả như vậy?”, cô Ái Vân tâm sự: “Là những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục các con, hơn ai hết, chúng tôi hiểu được nỗi đau mà các con phải gánh chịu. Những tiến bộ của các con hôm nay chính là nguồn động lực để tôi và biết bao giáo viên đang dạy trẻ khuyết tật khác phấn đấu hết mình. 20 năm công tác cũng là 20 năm tôi biết đến những người, học sinh có nhu cầu đặc biệt, nhưng tôi luôn tin rằng “ngọn nến thẳng hay ngọn nến cong, khi được thắp lên thì đều cháy sáng lung linh”. Tôi chỉ muốn nói với các con rằng dẫu trên đường đời còn lắm khó khăn, nhưng được sinh ra trên đời đã là điều hạnh phúc. Vậy nên, hãy cố gắng sống sao cho thật ý nghĩa. Tôi cũng muốn nói với các thầy cô dạy trẻ khuyết tật rằng mọi cố gắng của chúng ta hôm nay sẽ được đền đáp bằng chính sự tiến bộ của các con. Hãy luôn nhớ, cho đi là hạnh phúc”.
 
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cho biết: “Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tổ chức các chuyến thăm các thầy cô để lắng nghe và chia sẻ những khó khăn trong công việc dạy học trò kém may mắn. Chúng tôi mong muốn truyền đi những hình ảnh chân thật về công việc hằng ngày của các thầy cô để xã hội thấy được tấm lòng, sự hy sinh và tình yêu thương của họ dành cho học trò. Từ đó, xã hội cùng lan toả và tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cô”.

 

VŨ THƠ