Chúa Nhật XXVIII TN B – 2018: Thảnh thơi bước theo Chúa Giêsu
Lúc bấy giờ ta mới cảm thấy sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa chuyển lưu trong con người nhỏ bé của mình để ta có thể chia sẻ cho người khác và bước theo Chúa Giêsu để hoàn thành công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Chúa Nhật XXVIII TN B – 2018
Thảnh thơi bước theo Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Các bài Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta thái độ thảnh thơi bước theo Chúa Giêsu để đạt được sự sống kỳ diệu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Chàng thanh niên trong bài Tin Mừng (x. Mc 10,17-27), có thể nói, đại diện cho tất cả chúng ta đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để đạt được sự sống đời đời?”.
1. Sự sống đời đời là gì?
Ý thức về thân phận con người là một thụ tạo thấp hèn, sống được vài chục năm hay một vài trăm năm rồi mỗi ngày một tàn tạ, già nua, bệnh tật, rồi chết, ai cũng lo sợ, cũng muốn mình sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, quyền năng vô tận, giàu có vô song. Ai cũng đặt câu hỏi như chàng thanh niên, nhưng lại không tìm được câu trả lời. Các tôn giáo giới thiệu cho các tín đồ con đường phải đi để được cứu độ. Nhưng con đường ấy không phải dễ dàng, vì người ta hiểu rằng sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu đó không thể tìm được ở đời này mà hình như chỉ có ở đời sau.
Khi con người nghĩ rằng ở đời này mỗi ngày mình cần ăn, cần uống, cần mặc, cần sống cho ra con người thì người ta lao vào để kiếm tiền, kiếm danh, kiếm lợi, làm sao chiếm hữu được thật nhiều của cải, học hỏi cho có nhiều tài năng, kiến thức để sống cho xứng đáng là con người ở trần thế. Vì thế ít người quan tâm đến tôn giáo. Khi tôn giáo yêu cầu người ta bỏ hết những thứ tài sản vật chất hay tinh thần, người ta cảm thấy bất ổn và nghịch lý.
Đức Giêsu hôm nay đã trả lời cho người thanh niên hiểu rằng sự sống vĩnh hằng, kỳ bắt đầu ngay trong cuộc sống trần thế và sẽ phát triển trọn vẹn sau khi chúng ta chết. Người đã làm chứng bằng chính đời sống của mình khi Người rao giảng bằng những lời đầy quyền năng, khi làm phép lạ bánh cá hoá nhiều nuôi sống cả ngàn người, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, cho kẻ chết sống lại… Ngài còn cho các tông đồ (x. Lc 9,1-6) và 72 môn đệ chia sẻ sự sống đó (x. Lc 10,1-9). Vì thế, hàng ngàn người đã đi theo Chúa Giêsu. Chàng thanh niên cũng muốn được ở trong số đó và đã nói lên ước nguyện ấy: “Tôi phải làm gì để có được sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa như Ngài?”
2. Điều kiện để được sự sống đời đời
Đức Giêsu trả lời rằng: trước hết hãy giữ các điều răn.
Các giới răn mà người Do Thái thường hiểu đó là Mười Điều Răn. Giữ các điều răn chính là sống một đời tốt đẹp, không xúc phạm đến Thiên Chúa cũng như con người. Trong câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy rằng Người không nhắc đến 3 điều răn đối với Thiên Chúa, nhưng chỉ nói về các điều răn đối với con người. Muốn có sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa, người ta phải nhận ra những người đang sống với mình là con cái của Người để yêu thương, để giúp đỡ và không xúc phạm đến họ. Càng yêu thương con người bao nhiêu, càng phát triển đời sống kỳ diệu của Thiên Chúa bấy nhiêu. Cho nên điều kiện đầu tiên là yêu thương con người.
Điều kiện thứ hai là bước theo Chúa Giêsu vì Người chính là Thiên Chúa cụ thể, Người đang có sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa, Người sẵn sàng chia sẻ cho những ai gắn bó với Người, như các tông đồ và môn đệ được ban quyền chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, làm phép lạ cho kẻ chết sống lại.
Nhưng, muốn đi theo được Đức Giêsu, con người trước tiên phải bỏ tất cả những ngì mà mình đang sở hữu, đang chất đầy trên đôi vai để làm hành trang đi trong cuộc lữ hành trần thế của mình. Càng mang nhiều hành trang bao nhiêu, bước chân càng nặng nề bấy nhiêu và càng mệt mỏi trong thân xác bấy nhiêu, có khi không đi trọn được con đường. Đức Giêsu là Thiên Chúa cao sang vinh hiển, đã từ bỏ tất cả vinh quang và sự giàu sang tuyệt đối của Thiên Chúa, và trở thành con người yếu đuối, nghèo khó như ta để giúp cho tất cả những người nghèo khổ, bệnh tật, già nua, chết chóc, trở thành Thiên Chúa vĩnh hằng giống như Người.
Ví thế, muốn thảnh thơi bước theo Chúa Giêsu, ta phải lột bỏ tất cả những gì mình đang sở hữu. Chúa Giêsu nói với người thanh niên: “Anh hãy về bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo, rồi hãy đến theo tôi”.
3. Thảnh thơi đi giữa cuộc đời
Rất nhiều người nghĩ rằng sống ở trần thế mình cần phải có nhà cửa, xe cộ, quần áo, lương thực, cũng như về tinh thần phải có học thức, tài năng, thông thạo đủ thứ khoa học, đủ thứ kỹ năng để sống cho đáng là người có giá trị. Chúa Giêsu trả lời cho ta rằng hãy bỏ những gì ta đang sở hữu, đang nghĩ là của mình, vì Người là Thiên Chúa dựng nên tất cả và Người có thể ban tất cả những gì ta cần. Khi bước theo Chúa Giêsu thì Người phải là tất cả cho ta. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng mình phải mang theo một số vật dụng riêng tư để đề phòng, dự trữ thì sự sống đời đời không thể phát triển trong ta, quyền năng của Chúa Giêsu không thể biểu lộ nơi ta vì chúng ta chưa tin tưởng trọn vẹn vào Người.
Bài đọc I (x. Kn 7, 7-11) giới thiệu cho chúng ta kinh nghiệm của vua Salomon: ông đã xin ơn khôn ngoan, ông hiểu được rằng khôn ngoan đáng giá hơn tất cả vàng bạc, ngai vàng, quyền lực. Chúa đã ban cho Salomon sự khôn ngoan, và nhờ khôn ngoan, ông đã có tất cả những thứ khác. Vào thời đó, vương quyền của Salômôn, như một đế quốc rộng lớn, bao trùm khắp miền Địa Trung Hải. Đức Giêsu còn hơn cả Salômôn (Lc, 11,31), vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Khi chúng ta bước theo Người, gắn bó với Người là chúng ta có tất cả.
Nói như vậy không phải là chúng ta về bán nhà cửa, ruộng nương, bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em để theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chỉ mời gọi chúng ta bỏ đi những thứ đang cản ta bước theo Người, đang đè nặng trong tâm hồn và trên đôi vai của ta khiến ta không được nhẹ nhàng, thảnh thơi, toàn tâm, toàn ý, quảng đại bước theo Người mà thôi. Đức Giêsu là “Lời sống động của Thiên Chúa, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm 2 lưỡi…Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (x. Dt 4, 12-13). Chính khi bước theo Chúa Giêsu, Người sẽ giúp ta khám phá ra những gì không xứng đáng với Người, chuyển hoá các mối tương quan của ta với con người và vạn vật thành tốt đẹp và hữu hiệu như các tông đồ xưa. Các ông vẫn có vợ con, nhà cửa, bè bạn, như ông Phêrô vẫn liên lạc với gia đình, đưa Chúa Giêsu về chữa cho mẹ vợ của mình (x. Mc 1,29-30; Mt 8,16-17; Lc 4,40-41).
Khi tâm trí chúng ta hoàn toàn trống rỗng cái riêng tư của ta để mang những tâm tình của Chúa Giêsu, chúng ta càng được Người đổ đầy quyền năng, ân sủng, tình yêu và sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa để chuyển hoá những gì ta có thành phong phú gấp bội. Lúc đó ta mới hiểu lời Chúa Giêsu trả lời cho ông Phêrô: “ Ai bỏ nhà cửa,anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Lc 10,30.
Lời kết
Lúc bấy giờ chúng ta mới cảm thấy sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa chuyển lưu trong con người nhỏ bé của mình để chúng ta có thể chia sẻ cho người khác và bước theo Chúa Giêsu để hoàn thành công trình cứu độ của Thiên Chúa.