24/11/2024

Việt Nam lợi thế về phục hồi xanh

Việt Nam lợi thế về phục hồi xanh

Chiều 22-9, ông Ken O’Flaherty, đại sứ Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần 26 (COP26) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã trao đổi trực tiếp với các lãnh đạo Việt Nam về phục hồi xanh trong bối cảnh COVID-19.

 

 

 

Việt Nam lợi thế về phục hồi xanh - Ảnh 1.

Dự án điện gió Bạc Liêu đang hoạt động với tổng công suất gần 100MWh – Ảnh: CHÍ QUỐC

“Nhờ những thành công nhất định trong công tác kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam có thể là một trong những nước đầu tiên bắt đầu nghĩ đến các chương trình phục hồi toàn diện sau đại dịch” – ông O’Flaherty chia sẻ với Tuổi Trẻ trong cuộc phỏng vấn trực tuyến đầu tuần.

* Xin ông cho biết phục hồi xanh là gì và vai trò đối với các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam, trong bối cảnh COVID-19?

– Một kế hoạch phục hồi xanh do khoa học dẫn dắt sẽ tạo ra cơ hội việc làm, giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe công cộng, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Các gói kích thích kinh tế của chính phủ nên tập trung vào thuế môi sinh và lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), chuyển dịch sang năng lượng tái tạo có thể thêm 4,4% vào mức tăng trưởng cơ bản của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, và tăng cơ hội việc làm lên 60%.

Việt Nam đã thực hiện nhiều phép thử để nắm bắt cơ hội này. Năm ngoái, nhà máy điện mặt trời lớn nhất khu vực Đông Nam Á với công suất 420MW đã được khánh thành tại Dầu Tiếng, Tây Ninh.

Một nghiên cứu của Đan Mạch đã chỉ ra tiềm năng điện gió của Việt Nam là 160GW một năm, trong khi lượng điện năng Việt Nam tiêu thụ vào năm 2019 đạt khoảng 48GW.

Với Kế hoạch điện VIII xem xét hoãn hoặc dừng việc xây dựng 13 nhà máy điện than mới và thúc đẩy sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, chúng tôi nghĩ đây là một nền tảng vững vàng để Việt Nam thể hiện sự đi đầu trong lĩnh vực này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

* Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố đầu tháng 9 cho thấy sự suy giảm của gần 70% quần thể các loài hoang dã từ năm 1970. Điều gì thiếu sót trong các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu hiện tại và đâu là hành động của chúng ta?

– Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thất bại trong mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ đến năm 2050 sẽ dẫn đến hậu quả khủng khiếp đối với tính mạng con người và thiên nhiên. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đánh giá rằng, để thực hiện các mục tiêu nêu ra trong Thỏa thuận Paris, tốc độ chuyển dịch sang năng lượng tái tạo phải được tăng lên 4 lần so với mức hiện tại.

Với hơn 2.000km đường bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là mối đe dọa đến an ninh lương thực của không chỉ Việt Nam mà còn các nước khác.

Những thực tế này cho thấy Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục và thích ứng với biến đổi khí hậu.

* COP26 được coi là cơ hội cuối cùng để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Việt Nam sẽ ở đâu trong chương trình nghị sự mang tính chất sống còn này, thưa ông?

– Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi trong vai trò đại sứ COP26 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong hai ngày đối thoại trực tuyến với các đối tác ở Việt Nam, chúng tôi sẽ bàn thảo các chiến lược của COP26 nhằm xây dựng các mục tiêu khí hậu, lắng nghe những ưu tiên của Việt Nam tại diễn đàn này, sự chuẩn bị của Chính phủ cũng như những cơ hội mà Việt Nam sẽ có được bằng sự chuyển dịch sang cơ cấu năng lượng sạch.

19 triệu USD

Chương trình năng lượng carbon thấp ASEAN của Chính phủ Anh trị giá hơn 19 triệu USD hỗ trợ tài chính xanh và chuyển dịch năng lượng ở Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Philippines đã được triển khai. Chúng tôi mong muốn được làm việc với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam để thực hiện các tham vọng đối với khu vực và trước thềm COP26.

KHOA THƯ thực hiện
TTO