Học giả Mỹ đề xuất hiệp ước giữ nguyên hiện trạng Biển Đông để bảo vệ môi trường
Học giả Mỹ đề xuất hiệp ước giữ nguyên hiện trạng Biển Đông để bảo vệ môi trường
Theo Tiến sĩ John McManus, nếu các nước trong tranh chấp Biển Đông có thể cùng ký một hiệp ước giữ nguyên hiện trạng, hệ sinh thái biển có thể tự phục hồi một cách tự nhiên. Hiệp ước Nam Cực là một mô hình có thể nghiên cứu.
Ông McManus hiện là giáo sư Sinh học biển tại Đại học Miami (Mỹ) và nổi tiếng vì những cách tiếp cận khoa học sáng tạo nhằm hỗ trợ quản lý bờ biển và lưu vực. Quá trình nghiên cứu môi trường Biển Đông đã thúc đẩy ông đưa ra tưởng phát triển một công viên hòa bình quốc tế tại khu vực.
“Hiệp ước Nam Cực có thể là một mô hình đáng nghiên cứu cho các bên trong tranh chấp Biển Đông”, học giả McManus đề xuất trong cuộc tiếp xúc báo chí do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 16-9.
Theo đó, tương tự như Hiệp ước Nam Cực được ký năm 1959, các quốc gia tham gia cam kết giữ nguyên hiện trạng, không cải tạo hoặc tiến hành các hoạt động nhằm củng cố các yêu sách biển và lãnh thổ. Mọi hoạt động nên hướng tới phục vụ nghiên cứu khoa học, hòa bình và phi quân sự hóa.
Tuy nhiên, khác với Hiệp ước Nam Cực, ông McManus cho rằng hiệp ước giữ nguyên hiện trạng Biển Đông nên có thời hạn cụ thể, ví dụ 30 năm và có thể gia hạn sau mỗi giai đoạn.
Trong cuộc tiếp xúc báo chí sáng 16-9, thực trạng các hoạt động khai thác đánh bắt hải sản của Trung Quốc trên Biển Đông đã được ông McManus đề cập khá nhiều.
Theo học giả Mỹ, các tàu cá Trung Quốc – vốn đã có tiếng mạnh tay đánh bắt hải sản ở nhiều vùng biển – khi được chính quyền trợ cấp và quân đội, hải cảnh hẫu thuận, đã càng mạnh tay hơn nữa.
Ngoài đánh bắt kiểu tận diệt, TS McManus nhận xét các hoạt động cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc đã gây những thiệt hại vĩnh viễn cho hệ sinh thái.
“Diện tích san hô bị thiệt hại lên tới 162km2. Trung Quốc gây ra 90% các thiệt hại đó”, TS McManus nêu số liệu.
Theo tính toán của ông, nếu ngừng lại ngay bây giờ các hoạt động ảnh hưởng môi trường, sẽ mất tới khoảng 20 năm để các rạn san hô bị cày xới phục hồi theo cách tự nhiên.
Sử dụng UNCLOS 1982
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà các bên xung quanh Biển Đông đều là thành viên có thể cung cấp nền tảng cho các hợp tác xây dựng lòng tin và bảo vệ môi trường, theo giáo sư McManus.
Ông dẫn ra Điều 123 của UNCLOS, trong đó kêu gọi các nước ven biển kín hoặc nửa kín phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật hoặc tiến hành nghiên cứu khoa học tại các khu vực được xem xét.
Điều 123 cũng khuyến khích các quốc gia, nếu có thể, nên mời thêm các tổ chức quốc tế hữu quan hoặc những nước khác cùng tham gia.