23/12/2024

Lễ Suy Tôn Thánh Giá: Những người xây dựng nền văn hoá mới

Nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập Hội dòng Mến Thánh Giá, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao hồng ân Chúa đã ban cho các hội dòng. Chúng ta muốn dùng ít phút này để nhìn lại các chị em MTG từ thuở sáng lập đến nay như những người xây dựng nền văn hoá mới.

Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Những người xây dựng nền văn hoá mới

(tại nhà mẹ dòng MTG Chợ Quán, 14/9/20200)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Nếu không có tình hình căng thẳng do dịch bệnh Covid-19 gây nên, có lẽ tất cả các chị em Mến Thánh Giá (MTG) toàn quốc đã tổ chức một lễ kỷ niệm hết sức long trọng vào dịp này để tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao hồng ân Chúa ban cho các hội dòng trong suốt 350 năm qua. Đức cha Lambert de la Motte đã lập dòng MTG đầu tiên vào năm 1670 tại Đàng Ngoài, sau đó năm 1671 tại Đàng Trong và 1672 tại Thái Lan. Bây giờ các hội dòng MTG có mặt trong tất cả 27 giáo phận tại Việt Nam, ở Hoa Kỳ, Thái Lan, Lào, Campuchia với 6.686 tu sĩ khấn trọn, 2.275 khấn tạm, 631 tập sinh, 452 tiền tập sinh và 1.262 đệ tử (theo bản thống kê nhân sự năm 2018-2019). Vì thế, chúng ta muốn dùng ít phút này để nhìn lại các chị em MTG từ thuở sáng lập đến nay như những người xây dựng nền văn hoá mới.

1. Điểm lại vài nét trong quá khứ

Có lẽ chúng ta dành 1, 2 phút để nhìn lại giai đoạn khởi đầu với Đức Cha sáng lập. Ngày 12/10/1670, Đức cha Lambert đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Clemente IX bản luật dòng nữ MTG Chúa Giêsu (ngày xưa gọi là Luật Phép Nhà Chị Em Câu Rút (Crux) Đức Chúa Giêsu). Thời đó, các chị em chỉ tuyên lời khấn đơn, chứ không có khấn trọng thể và vĩnh viễn như ngày nay, không giữ luật nội vi, không có tu phục để có thể sống giữa lòng Giáo Hội và hoà nhập vào xã hội, cộng tác với các vị thừa sai và hàng giáo sĩ để truyền giáo cho lương dân. Đây là một thể chế rất mới mẻ trong Giáo Hội nhưng đáp ứng được những nhu cầu khẩn thiết cho một xứ truyền giáo như ở Việt Nam.

Quả thật, qua sự quan phòng của Chúa, hội dòng này đã phát triển hết sức nhanh chóng: cuối thế kỷ 17 đã có 20 nhà khác nhau với gần 100 nữ tu. Vào năm 1787, Đàng Ngoài có khoảng 500 nữ tu sống trong 25 nhà với luật ngặt hơn, các chị em ở Đàng Trong ít hơn, giữ luật rộng hơn, nghĩa là bớt phần khổ chế. Trong thời bách đạo, hàng trăm chị em đã anh dũng hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa Giêsu (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên Giám 2016 GHCGVN, tr.365).

Nếu chúng ta nhìn dưới góc độ văn hoá, các chị em chính là những người xây dựng nền văn hoá mới cho đất nước Việt Nam. Suốt 20 thế kỷ, cho đến năm 1945, dân tộc ta sống trong chế độ quân chủ chuyên chế, nam nữ bất bình đẳng, gia đình theo chế độ đa thê, văn hoá lệ thuộc vào người Trung Quốc với chữ Hán, lạc hậu không biết gì đến khoa học. Người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo cho rằng vua là thiên tử có toàn quyền sinh sát trong tay. Người nam được tôn trọng (nhất nam viết hữu thập nữ viết vô – 1 người nam được kể là có, 10 người nữ cũng kể là không), người nữ bị khinh thường. Gia đình không hạnh phúc vì các bà vợ, thê thiếp ghen tuông, áp bức nhau. Đa số dân chúng bệnh tật vì mỗi làng chỉ có một vài ao nước tù, dùng để tắm rửa, ăn uống, nên cứ 10 trẻ em thì có 3 đứa sống, 7 đứa chết ngay từ lúc còn nhỏ. Phụ nữ mỗi lần sinh con đều rất nguy hiểm, vì dễ bị nhiễm trùng và bệnh hậu sản. Người dân hầu như thất học vì cả làng chỉ vài ba người giàu mới thuê được thầy đồ dạy con cái học để đi thi làm quan.

Từ năm 1615-1665, các cha Dòng Tên đến giảng đạo tại Việt Nam, dân chúng bắt đầu có những nhận thức về các giá trị văn hoá mới như dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, khoa học và chữ viết theo mẫu tự La Tinh. Rồi các nhà truyền giáo của Hội Truyền giáo Paris, đến Việt Nam từ năm 1659, đã thành lập Hội dòng MTG, và các nữ tu dòng MTG trở thành những người xây dựng nền văn hoá mới cho dân tộc của mình.

Ý thức dân làm chủ đất nước dù chưa rõ ràng, nhưng khi tin vào Đức Giêsu là Thiên Tử, là Con Trời, đã dám hy sinh chết cho mọi người thay vì bắt thần dân chết cho mình để chứng tỏ tình yêu cứu độ, thì người tín hữu cũng sẵn sàng chết để phục vụ mọi người. Nhất là khi họ nhìn thấy các nữ tu MTG đi vào tận các vùng sâu, vùng xa để dạy dỗ dân chúng những giá trị mới qua đời sống vừa chiêm niệm, vừa hoạt động tông đồ, vừa khổ chế hy sinh theo gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Hơn nữa, vì tất cả đều là con cái của Cha Trên Trời, nên dù là nam hay nữ, mọi người đều bình đẳng với nhau, được học hành, làm việc như nhau. Hôn nhân một vợ một chồng khiến gia đình người Công giáo luôn an vui hạnh phúc vì không có cảnh trọng con bà này khinh con bà nọ, không có vụ ghen tương giữa các phụ nữ với nhau. Các nữ tu là những người phổ biến khoa học thường thức cho mọi người, dạy họ cách lọc nước bằng than cát sỏi mới dùng, nấu chín để nguội mới uống, nên ai cũng khoẻ mạnh, xinh đẹp. Các chị trở thành nữ hộ sinh giúp cho các sản phụ sinh nở an toàn. Với vài ba mảnh sành, lọ dầu, ít viên thuốc, các chị đi khắp nơi để chữa bệnh, cạo gió, dạy chữ viết mới cho dân.

Đời sống hy sinh phục vụ ấy đã lôi cuốn rất nhiều người tin theo Chúa Giêsu. Chỉ trong 2 năm, chị Anna Miều, 26 tuổi, với một chị em khác dòng MTG Cái Nhum, đã rửa tội cho 600 người (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Người Mục tử Cộng đồng hướng về tương lai). Giáo Hội Việt Nam chân thành cảm ơn tất cả các chị em đã đóng góp lớn lao vào sự thành hình và phát triển của Giáo Hội trong những năm qua.

2. Hướng về tương lai

Ngày nay, chúng ta đang tiếp bước các bậc tổ tiên anh hùng, được mời gọi để hình thành nền văn hoá mới cho dân tộc và nhân loại phù hợp với thời đại. Luật lệ dòng MTG cũng đã và đang được thay đổi cho thích hợp với yêu cầu của đời sống: từ lời khấn trọng thể, tu phục, nội vi cho đến những sinh hoạt trong cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải giữ được tinh thần của Đấng sáng lập: hội nhập vào lòng xã hội và tích cực truyền giáo.

Chúng ta không đóng kín trong cơ sở hay hội dòng của mình, nhưng mở rộng cho mọi người, hoà nhập vào mọi hoạt động trong các lĩnh vực trần thế được Giáo Hội khuyến khích. Càng hoà nhập sâu rộng trong xã hội, ta càng dễ truyền giáo, bởi vì người ta nhận ra nơi các chị em hình ảnh của Đức Giêsu chịu đóng đinh giữa những con người khốn cùng, đau khổ, tật bệnh.

Thích ứng với nền văn hoá mới của xã hội hôm nay, chúng ta có kinh nghiệm của Đức cha Lambert de la Motte với tinh thần hội nhập. Chúng ta học những bài học chiêm niệm của chị thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá (1891-1942, nhớ ngày 9/8), là triết gia người Do Thái chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã, để trở thành những nhà chiêm niệm mới. Chúng ta có gương sáng hoạt động bác ái truyền giáo của mẹ thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997, nhớ ngày 5/9), để phục vụ bao con người khốn khổ ở Việt Nam, nhất là bệnh nhân chiếm tới 16% dân số, người bệnh tâm thần chiếm 15%, các người khuyết tật chiếm 7%, các trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ mỗi ngày một nhiều.

Muốn phục vụ tốt, người ta cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng, sức khoẻ và sự trưởng thành toàn diện, nhưng thử hỏi các nữ tu MTG đang chuẩn bị như thế nào? Các hội dòng MTG đang có 1.844 người có trình độ trung học phổ thông và 1.382 người trình độ cao đẳng, nhưng họ đã đóng góp gì cho cộng đồng? Chúng ta đang có 1.718 người tốt nghiệp đại học và 277 người sau đại học, nhưng các nữ tu này hiện nay đang làm gì cho Giáo Hội và xã hội? Không lẽ các chị em chỉ quản lý cơ sở, cắm hoa nhà thờ, dọn áo lễ, dạy giáo lý và phục vụ xứ đạo cách đơn giản như hiện nay mà quên truyền giáo cho lương dân? Người Công giáo ở Việt Nam chiếm 8% dân số vào năm 1885, nay chỉ còn 6,1% (theo thống kê Tổng Điều tra Dân số năm 2019). Nếu các nữ tu MTG tích cực loan báo Tin Mừng, chắc chắn việc truyền giáo sẽ kết quả hơn nhiều.

Nhiều hội dòng MTG và các dòng khác tập trung vào những trường lớp mẫu giáo để kiếm sống mà quên đi tinh thần truyền giáo và nếu không cẩn thận, lại còn xảy ra tranh chấp quyền lợi giữa các trường với nhau. Nếu những chị em có trách nhiệm trong các hội dòng MTG biết khuyến khích các chị em trẻ tuổi thâm nhập vào những lĩnh vực khoa học mới mẻ, tích cực làm chứng cho Chúa Giêsu là đối tượng duy nhất của lòng mình, bằng một tình yêu trong sáng và quảng đại dành cho người nghèo, ta mới cho thể hoà nhập vào một thế giới chỉ biết chú tâm vào khoa học kỹ thuật, hưởng thụ vật chất để thoả mãn những tham vọng, dục vọng của mình.

Lời kết

Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu Chịu đóng đinh tôn vinh vị sáng lập dòng là Đức cha Lambert de la Motte, và nhờ lời chuyển cầu của ngài, mỗi chị em MTG trở thành người xây dựng nền văn hoá mới cho thời đại hôm nay.

HKK