Lật tẩy cú bắt tay bóp cổ người bệnh của 3 hãng dược phẩm lừng lẫy
Lật tẩy cú bắt tay bóp cổ người bệnh của 3 hãng dược phẩm lừng lẫy
Ba hãng dược lớn đã bắt tay nhau ngăn cản dùng thuốc Avastin giá rẻ và thúc đẩy dùng thuốc Lucentis giá cao. Cơ quan Cạnh tranh Pháp đã quyết định xử phạt sau 8 năm điều tra.
Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) là nguyên nhân chính gây suy giảm nghiêm trọng thị lực ở người trên 50 tuổi.
Căn bệnh này còn làm hoen ố uy tín của ba hãng dược phẩm lớn gồm Tập đoàn Novartis (Thụy Sĩ), Tập đoàn Roche (Thụy Sĩ) và Công ty Genentech (chi nhánh của Roche ở Mỹ).
Avastin rẻ hơn Lucentis 33 lần
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2007 khi các bác sĩ sử dụng loại thuốc mới Avastin trong điều trị ung thư (Hãng Roche phân phối từ năm 2005).
Trong các bệnh nhân ung thư có một số người mắc bệnh AMD. Họ nhận thấy bệnh AMD của họ thuyên giảm đáng kể sau khi dùng Avastin.
Đây là vấn đề đáng quan tâm vì lúc đó bệnh AMD chỉ được điều trị duy nhất bằng thuốc Lucentis do Hãng Novartis phân phối.
Sau đó, các nghiên cứu ban đầu của Pháp xác nhận thuốc ung thư Avastin có hiệu quả trong điều trị bệnh AMD.
Năm 2015, Cơ quan Dược phẩm Pháp cấp giấy phép đặc biệt tạm thời cho lưu hành thuốc Avastin điều trị AMD trong bệnh viện.
Kế đến Bộ trưởng Y tế Marisol Touraine thông báo cơ quan an sinh xã hội sẽ thanh toán tiền thuốc Avastin để giảm chi phí cho bảo hiểm y tế.
Vấn đề khác nhau giữa Avastin và Lucentis là giá thuốc Avastin rẻ hơn Lucentis đến 33 lần. Năm 2007, một mũi tiêm Avastin giá 35 euro trong khi một mũi tiêm Lucentis lên đến 1.167 euro.
Ra sức cản trở sử dụng thuốc rẻ Avastin
Bộ ba các hãng Novartis – Roche – Genentech có quan hệ đối tác với nhau.
Novartis là cổ đông của Roche. Novartis và Roche phân phối hai loại thuốc Lucentis và Avastin đều do hãng dược phẩm Genentech ở Mỹ phát triển.
Genentech nhận tiền bản quyền tùy theo doanh thu phân phối Lucentis hoặc Avastin.
Thị trường không phải nhỏ. Chỉ riêng ở Pháp đã có khoảng 1,5 triệu bệnh nhân mắc bệnh AMD.
Do đó, sau khi Pháp cấp giấy phép cho thuốc Avastin, bộ ba Novartis – Roche – Genentech bèn thực hiện chiến lược nhằm ngăn chặn sử dụng Avastin vì Avastin đe dọa đến Lucentis trong lúc Lucentis đã chiếm gần 20% thị trường chỉ trong trong hai năm.
Chủ tịch Cơ quan Cạnh tranh Pháp Isabelle de Silva giải thích: “Các hãng dược đã lập danh sách các bác sĩ sử dụng Avastin trong điều trị AMD mà họ gọi là ‘những người yêu Avastin’, sau đó họ tiếp cận, bám sát, cảnh báo về nguy cơ xảy ra phản ứng phụ của Avastin trong điều trị AMD.
Họ làm đủ mọi cách để cản trở các chuyên gia có tên tuổi làm việc và can thiệp vào các hội nghị. Sau đó để làm chậm quá trình điều tra, Novartis và Roche từ chối cung cấp mẫu cho các nghiên cứu so sánh”.
Thông báo sai về nguy cơ của Avastin
Trong năm 2013, cơ quan bảo hiểm y tế Pháp đã chi trả 100% cho hai loại thuốc, trong đó đã chi 438 triệu euro cho thuốc Lucentis. Đây là năm ngon lành với Novartis, tuy nhiên một tác nhân mới xuất hiện.
Hãng dược phẩm Bayer (Đức) đưa ra thị trường thuốc Eylea điều trị bệnh AMD với giá 713 euro mỗi mũi tiêm, tức rẻ hơn Lucentis.
Bộ ba Novartis – Roche – Genentech không bỏ cuộc, ngược lại tiếp tục tăng cường truyền bá mối nguy hiểm của thuốc Avastin đến mức phản bác ở Hội đồng Nhà nước.
Kết quả thành công như mong đợi. Thị phần thuốc Avastin điều trị AMD sụp đổ.
Phải đến năm 2015, Bộ Y tế Pháp mới công bố khuyến cáo sử dụng vì lý do kinh tế (RTU) để bảo đảm các bác sĩ sử dụng an toàn thuốc Avastin.
Bảo hiểm y tế chi vượt 2 tỉ euro
Sau 8 năm điều tra về hoạt động chống cạnh tranh trong ngành dược phẩm, Cơ quan Cạnh tranh của Pháp đã hoàn tất báo cáo điều tra dày 205 trang.
Ngày 9-9 (giờ địa phương), Cơ quan Cạnh tranh thông báo xử phạt bộ ba Novartis – Roche – Genentech số tiền gần 445 triệu euro vì lạm dụng ưu thế thống trị trên thị trường Pháp để thông đồng thúc đẩy bán thuốc Lucentis giá đắt nhằm gây bất lợi cho thuốc Avastin giá rẻ trong điều trị bệnh AMD.
Novartis bị phạt 385 triệu euro, còn Roche và Genentech cùng liên đới chịu số tiền còn lại.
Các hãng dược đã thực hiện hành vi cản trở cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối thuốc điều trị bệnh AMD, như vậy đã vi phạm Luật thương mại và Hiệp ước về hoạt động của Liên minh châu Âu.
Trong vụ này, cơ quan bảo hiểm y tế đã chi vượt mức 2 tỉ euro kể từ năm 2008.
Báo Le Parisien (Pháp) đánh giá đây là mức xử phạt nặng nhất từ trước đến nay liên quan kiểu vụ việc này.