Học hỏi Sứ điệp ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 92 năm 2018 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân ngày Quốc tế Truyền giáo lần thứ 92 năm 2018 viết khá cô đọng và cách hành văn nước ngoài cũng khác lạ so với văn phong Việt Nam. Vì thế, Ban Loan Báo Tin Mừng Tổng Giáo Phận Sài Gòn phân chia và bố cục lại Sứ điệp này theo các đề mục và cũng diễn đạt thêm một vài chỗ để dễ đọc.
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2018
Học hỏi Sứ điệp ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 92 năm 2018
Kính thưa quý độc giả, Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân ngày Quốc tế Truyền giáo lần thứ 92 năm 2018 viết khá cô đọng và cách hành văn nước ngoài cũng khác lạ so với văn phong Việt Nam. Vì thế, Ban Loan Báo Tin Mừng Tổng Giáo Phận Sài Gòn phân chia và bố cục lại Sứ điệp này theo các đề mục và cũng diễn đạt thêm một vài chỗ để dễ đọc. Việc phân chia và diễn đạt này theo bản dịch của cha Đaminh Ngô Quang Tuyên.
CHỦ ĐỀ : CÙNG VỚI GIỚI TRẺ,
CHÚNG TA HÃY ĐEM TIN MỪNG CHO HẾT MỌI NGƯỜI
I. Dẫn nhập
Sứ mạng của mọi Kitô hữu nói chung và của người trẻ nói riêng
Mọi tín hữu đều lãnh nhận sứ mạng từ Đức Kitô để loan truyền đức tin. Đức tin ấy giống người trẻ vì “đức tin mãi mãi tươi trẻ khi nó luôn luôn được loan truyền”. Hay nói như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Loan truyền đức tin chính là tái tạo sinh lực mới cho đức tin” (Redemporis Missio số 2)
II. Nội dung
1. Cuộc đời là một Sứ mạng với thách đố
a. Sứ mạng từ bản chất con người
Mỗi người nam nữ là một sứ mạng; đó là lý do cho cuộc sống của chúng ta trên mặt đất này. Sứ mạng này gồm “được lôi cuốn và được sai đi”. Đây là hai chuyển động được người trẻ cảm nhận như tình yêu trong tâm hồn họ. Hai chuyển động này còn mang lại cho người trẻ một tương lai đầy hứa hẹn và giúp họ định hướng cuộc đời.
b. Thách đố cho người trẻ khi thi hành sứ mạng
Hơn bất kỳ ai khác, người trẻ cảm thấy năng lượng của cuộc sống bùng nổ làm hấp dẫn mọi người. Tuy nhiên, để sống cách vui tươi trách nhiệm của mình với thế giới là một thách đố lớn lao cho người trẻ. Vì người trẻ phải trả giá để chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối. Làm sao để chọn lựa ánh sáng? Kinh nghiệm của cha khi chọn lựa ánh sáng là cha luôn nghĩ về một tương lai tươi đẹp hơn. Một tương lai mà có một Đấng kiểm soát. Vì trước khi cha hiện hữu thì đã có một sáng kiến đi trước cha làm cho cha hiện hữu. Để có được tâm tình này cha đề nghị mỗi người hãy nhẩm đi nhẩm lại câu này: “Tôi là một sứ mạng trên mặt đất này; đó là lý do vì sao tôi hiện diện ở đây, trong thế giới này” (Evangelii Gaudium, 273).
2. Sứ mạng của chúng ta là loan báo Chúa Giêsu Kitô
a. Người trẻ nhận sứ mạng từ Giáo Hội
Qua việc loan báo điều mà Giáo Hội đã nhận lãnh nhưng không (x. Mt 10,8; Cv 3,6), Giáo Hội có thể chia sẻ với các con là những người trẻ con đường và sự thật vốn mang lại ý nghĩa cho đời sống của chúng ta trên mặt đất này.
b. Nội dung của việc loan báo
Loan báo sự thật đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên thập giá và đã sống lại vì chúng ta. Sự thật này mời gọi sự tự do của chúng ta và thách đố chúng ta hãy tìm kiếm, khám phá và loan báo.
c. Loan báo Chúa Kitô đem lại nềm vui cho người trẻ
Các bạn trẻ thân mến, các con đừng sợ Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài! Vì ở đó chúng ta tìm thấy kho tàng vốn lấp đầy cuộc sống bằng niềm vui. Cha có thể nói với các con từ kinh nghiệm của riêng Cha: nhờ niềm tin, Cha đã tìm thấy một nền tảng chắc chắn cho những giấc mơ của Cha và sức mạnh để thực tại hoá chúng. Cha đã chứng kiến sự khổ đau lớn lao và sự nghèo nàn làm biến dạng diện mạo của quá nhiều người anh chị em chúng ta. Và rồi, đối với những người đứng về phía Chúa Giêsu, sự dữ là một động lực cho một tình yêu lớn lao hơn.
d. Niềm vui của những chứng nhân trong lịch sử Giáo Hội
Nhiều người nam nữ và nhiều bạn trẻ đã hy sinh cách quảng đại chính bản thân họ, thậm chí đôi khi đến mức tử đạo, vì tình yêu đối với Tin Mừng và sự phục vụ anh chị em của họ. Từ thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta học được logic thánh của sự hy sinh bản thân (x. 1 Cr 1,17-25) như là một việc loan báo Tin Mừng cho sự sống của thế giới (x. Ga 3,16). Để thắp lên ngọn lửa bởi tình yêu của Đức Kitô nghĩa là bị tiêu thụ bởi ngọn lửa ấy, để lớn lên trong sự hiểu biết bởi ánh sáng của nó và được sưởi ấm bởi tình yêu của ngọn lửa ấy (x. 2 Cr 5,14). Ở trường của các thánh, những vị mở ra cho chúng ta những chân trời của Thiên Chúa, Cha mời gọi các con đừng bao giờ ngừng tự hỏi: “Đức Kitô sẽ làm gì nếu Ngài ở vị trí của tôi?”
3. Sứ mạng thông truyền niềm tin đến tận cùng trái đất
a. Nhận sứ mạng trong và cùng với Giáo Hội
Cả các con nữa, các bạn trẻ thân mến, nhờ Phép Rửa các con đã trở thành những thành viên sống động của Hội thánh: cùng nhau chúng ta đã nhận lãnh sứ mạng đem Tin Mừng đến cho mọi người. Các con đang ở ngưỡng cửa cuộc đời. Việc lớn lên trong ơn đức tin mà các bí tích của Hội thánh ban cho chúng ta làm cho chúng ta được hòa vào dòng chảy hùng vĩ của các chứng nhân, là những người từ thế hệ này sang thế hệ khác giúp cho sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những bậc tiền bối trở thành chứng tá và mối khích lệ cho những ai đang nhìn về tương lai. Và sự tươi trẻ và phấn khởi của những người trẻ biến họ thành một nguồn nâng đỡ và hi vọng cho những người đang đi đến cuối hành trình cuộc đời của họ. Trong sự hoà nhập của các giai đoạn khác nhau trong dòng đời, sứ mạng của Hội thánh lấp đầy khoảng cách giữa các thế hệ; đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta đối với tha nhân là một nguồn hiệp nhất sâu xa.
b. Loan truyền đức tin bằng lan toả tình yêu
Tâm điểm sứ mạng của Hội thánh là loan truyền đức tin, diễn ra nhờ sự lan toả của tình yêu, ở đó niềm vui và sự phấn khởi biểu thị cho một ý nghĩa mới được khám phá và một sự hoàn thành trong cuộc đời. Việc truyền bá đức tin “bằng sức lôi cuốn” đòi hỏi phải có những tâm hồn cởi mở và được mở rộng bởi tình yêu. Không thể đặt giới hạn cho tình yêu, vì tình yêu mạnh như sự chết (xem Diễm Ca 8,6).
c. Cách thức lan toả tình yêu
Và sự lan toả tình yêu ấy phát sinh sự gặp gỡ, làm chứng, công bố; nó phát sinh sự chia sẻ tình bác ái với tất cả những ai còn xa cách đức tin, thờ ơ với đức tin và thậm chí có thể còn thù nghịch và chống đối đức tin.
d. Lan toả đức tin đến tận cùng trái đất
Các khung cảnh nhân bản, văn hoá và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Đức Giêsu và với sự hiện diện bí tích của Hội Thánh biểu thị cho những vùng ngoại vi tột cùng, những nơi “tận cùng của trái đất”, là những nơi mà kể từ sau ngày Phục Sinh đầu tiên, các môn đệ của Đức Giêsu đã được sai đến, với niềm tin chắc rằng Chúa luôn luôn ở với họ (xem Mt 28,20; Cv 1,8). Đây là cái mà chúng ta gọi là Missio ad gentes, sứ mạng đến với muôn dân. Vùng ngoại vi hoang vu nhất trong tất cả vùng ngoại vi là nơi mà loài người cần Đức Kitô nhưng vẫn thờ ơ với đức tin hay tỏ ra chán ghét đời sống sung mãn trong Thiên Chúa. Mọi sự nghèo khó vật chất và thiêng liêng, mọi hình thức kỳ thị chống lại các anh chị em chúng ta, luôn luôn là hậu quả của việc từ chối Thiên Chúa và tình yêu của Người. Các bạn trẻ thân mến, chỗ tận cùng của trái đất hôm nay khá là tương đối và luôn luôn dễ đi lại. Thế giới số – các mạng xã hội mở rộng khắp nơi và dễ gặp – xoá bỏ các biên giới, loại trừ các khoảng cách và thu hẹp các dị biệt. Có vẻ như mọi sự đều ở trong tầm tay con người, hết sức gần gũi và trực tiếp.
e. Thách đố cho sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
Thế nhưng vì thiếu sự trao hiến cuộc đời một cách chân thành, để sứ mạng đi đến tận cùng trái đất đòi hỏi sự trao hiến bản thân trong ơn gọi mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta (xem Lc 9,23-25), vì Người đã đặt chúng ta trên trái đất này. Cha dám nói rằng, đối với một thanh niên thanh nữ muốn đi theo Đức Kitô, điều cơ bản nhất là tìm kiếm, khám phá và kiên trì trong ơn gọi của mình.
4. Sứ mạng làm chứng cho tình yêu
a. Học hỏi nơi các đoàn thể truyền thống đang làm chứng cho tình yêu
Cha cám ơn tất cả các nhóm trong Hội thánh giúp cho các con có thể gặp gỡ Đức Kitô sống động trong Hội thánh: các giáo xứ, các hiệp hội, các phong trào, các dòng tu, và nhiều hình thức phục vụ truyền giáo khác nhau. Có biết bao nhiêu người trẻ coi hoạt động truyền giáo tự nguyện là một cách để phục vụ những anh chị em “bé mọn nhất” của chúng ta (xem Mt 25,40), thăng tiến phẩm giá con người và làm chứng cho niềm vui của tình yêu và của tư cách là Kitô hữu! Các kinh nghiệm Hội thánh này không chỉ giáo dục và đào tạo những người trẻ để họ thành công trong nghề nghiệp, mà còn để họ phát triển và nuôi dưỡng những ân huệ Chúa ban hầu phục vụ tha nhân tốt hơn. Các hình thức rất đáng khen ngợi của việc phục vụ truyền giáo tạm thời này là một sự khởi đầu hiệu quả, và nhờ việc phân định ơn gọi, chúng có thể giúp các con quyết định hiến mình hoàn toàn cho công việc truyền giáo.
b. Nhiều người trẻ cùng xây dựng các hội Giáo hoàng Truyền giáo
Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo phát sinh từ những tâm hồn trẻ để làm một phương tiện nâng đỡ việc rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc và nhờ đó góp phần thăng tiến nhân bản và văn hoá cho tất cả những ai khát khao tìm biết chân lý. Các lời cầu nguyện và quảng đại trợ giúp vật chất được cống hiến và phân phối qua các Hội Giáo hoàng Truyền giáo giúp cho Toà Thánh bảo đảm được rằng những người đã được trợ giúp khi gặp khó khăn thì đến lượt họ, họ sẽ làm chứng cho Tin Mừng trong các hoàn cảnh đời sống của họ. Không ai quá nghèo đến độ không thể cho cái họ có, nhưng trước tiên và trên hết là trao ban chính bản thân họ. Cha muốn lặp lại những lời khích lệ mà Cha đã nói cho giới trẻ ở Chilê: “Đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cho, hoặc nghĩ rằng không ai cần các con. Nhiều người cần các con. Hãy nghĩ đến điều đó! Mỗi người trong các con hãy tự nhủ trong lòng: nhiều người cần tôi” (Gặp gỡ Giới trẻ, Thánh điện Maipu, 17-1-2018). Các bạn trẻ thân mến, tháng mười này, tháng truyền giáo, chúng ta sẽ tổ chức Thượng Hội Đồng dành cho các con. Thượng Hội Đồng sẽ là một cơ hội nữa để giúp chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo, ngày càng hăng hái hiến thân cho Đức Giêsu và sứ mạng của Người, cho đến tận cùng trái đất. Cha cầu xin Đức Maria, Mẹ các Tông đồ, thánh Phanxicô Xaviê, thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu và chân phước Phaolô Manna chuyển cầu cho chúng ta và luôn luôn đồng hành với chúng ta.
Từ điện Vaticanô, ngày 20 tháng 5 năm 2018, Đại lễ Hiện Xuống, PHANXICÔ
Bản dịch tiếng Việt: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên – Diễn giải: Ban Loan Báo Tin Mừng TGP Sài Gòn